Nến xu hướng thất bại là một set up hành động giá cực kỳ đơn giản nhưng cũng có thể áp dụng hiệu quả trong một số trường hợp. Mẫu hình này xuất hiện khá phổ biến và tuỳ từng yếu tố hỗ trợ mạnh hay yếu mà ta có thể quyết định vào lệnh.
Cụ thể về mẫu hình cũng như cách giao dịch chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Xác định nến xu hướng thất bại
Đầu tiên, bạn phải biết cách xác định như nào là một nến xu hướng. Hình sau sẽ mô tả cho các bạn phân biệt giữa một nến có xu hướng và một nến không xu hướng.
Hình 1: Nến xu hướng và không xu hướng
Cách xác định theo kỹ thuật của một nến xu hướng là có thân nến lớn hơn ½ độ lớn của cây nến. Do đó, một cây nến tăng luôn có giá mở cửa ở phía nửa dưới của cây nến và giá đóng cửa ở nửa trên của cây nến.
Mặc dù chúng ta đề ra quy tắc 50% cây nến như thế nhưng chỉ cần xác định tương đối, và cũng hiếm gặp những trường hợp mà chúng ta phải đắn đo xem nó là nến xu hướng hay không xu hướng do nó ở gần ranh giới giữa trên 50% và dưới 50%.
Thường thì trong các trường hợp, bằng trực quan chúng ta có thể phân biệt được rồi.
Cũng cần chú ý thêm là cây nến xu hướng có thân chiếm khoảng lớn hơn hoặc bằng 90% cây nến thì đương nhiên sẽ phải mạnh hơn cây nến có thân chỉ khoảng 55% cây nến.
Lệnh mua với nến xu hướng thất bại
Hình 2: Lệnh mua với nến xu hướng thất bại
- Những nến giảm rất nhỏ và không thể hiện được phần đông người giao dịch ngược xu hướng.
- Hai cây nến xu hướng giảm mạnh.
- Cây nến đi xuống thể hiện rằng ban đầu giá đã đi theo xu hướng giảm tiếp tục nhưng khi kết thúc cây nến nó không thể hình thành một nến xu hướng.
- Nến không xu hướng và ta có thể giao dịch với cây nến này.
- Đặt lệnh chờ mua buy stop.
- Nếu cây nến tiếp theo không khớp lệnh chờ mua thì chúng ta xóa bỏ.
Lệnh bán với setup nến xu hướng thất bại
Hình 3: Bán với nến xu hướng thất bại
- Ba cây nến xu hướng tăng mạnh.
- Cây nến đi lên thể hiện rằng ban đầu giá đã đi theo xu hướng tiếp tục tăng nhưng khi kết thúc cây nến, nó không thể hình thành một nến xu hướng.
- Đặt lệnh chờ bán sell stop.
- Nếu cây nến tiếp theo không khớp lệnh chờ bán thì xóa lệnh, trong trường hợp này thì lệnh không được khớp nên ta xoá bỏ dù sau đó giá giảm đẹp và mất cơ hội.
Điều kiện hỗ trợ cho nến xu hướng thất bại
Các bạn đừng nhầm lẫn giữa Pin bar với nến xu hướng thất bại nhé. Pin bar đòi hỏi là nến có một bóng dài (đuôi) và một bóng ngắn (đầu) trong đó bóng dài thường phải gấp 2 lần thân trở lên hoặc chiếm ít nhất 2/3 biên độ cây nến.
Trong khi đó thì nến xu hướng thất bại chỉ chú ý đến tỷ lệ phần thân nến so với toàn bộ cây nến. Như vậy, pin bar là một dạng của nến xu hướng thất bại mà thôi.
Để hỗ trợ tốt cho giao dịch với nến xu hướng thất bại thì nến này nên xuất hiện trong một cú hồi hay còn gọi là tăng hoặc giảm điều chỉnh.
Như trong hình số 2 ở trên thì nến xu hướng thất bại xuất hiện cuối cú hồi giảm và hình số 3 là cuối cú hồi tăng.
Trước cây nến xu hướng thất bại phải có từ 2 cây nến xu hướng trở lên, đây là điều kiện rất quan trọng mà các bạn phải lưu ý.
Đặc điểm tâm lý đằng sau setup
Trong một xu hướng của thị trường sẽ có những người giao dịch ngược lại xu hướng. Trong một xu hướng tăng sẽ có những trader bán xuống và ngược lại trong xu hướng giảm sẽ lại có những người mua lên.
Nhưng thật không may mắn rằng những người giao dịch ngược xu hướng đa số là mắc sai lầm và may mắn cho chúng ta là có thể lợi dụng điều đó để tìm những cơ hội giao dịch tuyệt vời và kiếm lợi nhuận.
Những người giao dịch ngược xu hướng đôi khi lại chính là những người củng cố cho xu hướng chính. Tại sao lại nói như vậy, bởi vì giả dụ trong một xu hướng tăng những người giao dịch ngược xu hướng sẽ khiến cho giá hồi về.
Sau đó giá quay lại xu hướng chính, họ nhận ra rằng cú trade của họ thật là dại dột và nhanh chóng đóng lệnh bán và thậm chí có thể tiếp tục vào lệnh mua. Chính vì lẽ đó mà họ làm củng cố thêm cho xu hướng tăng.
Bên cạnh đó những người giao dịch ngược xu hướng cũng là nhóm người tạo thanh khoản cho thị trường khi mà những người vào lệnh theo xu hướng đang có lời và muốn thoát lệnh chốt lời thì sẽ cần có người mua (bán) ngược lại, có người mua thì phải có người bán.
Nếu chúng ta giao dịch theo xu hướng thì nên tận dụng lợi thế của việc những người giao dịch ngược xu hướng. Khi họ thoát lệnh bán hoặc vào thêm lệnh mua chúng ta sẽ mua theo và ngược lại với xu hướng giảm.
Hãy mang ý tưởng này đi một bước xa hơn nữa. Tưởng tượng rằng thị trường đang trong xu hướng tăng. Đa số các người giao dịch ngược xu hướng nhận ra rằng họ đã sai lầm.
Sau đó, họ đồng loạt cùng nhau thoát lệnh bán, từ đó sẽ tạo ra một lực mua rất mạnh. Đó là cơ hội tuyệt vời để chúng ta vào lệnh mua.
Để đảm bảo cho ý tưởng trên chúng ta cần hai yếu tố cấu thành:
- Nhiều người giao dịch ngược xu hướng
- Hành động giá cho thấy họ đồng loạt thoát lệnh.
Setup nến xu hướng thất bại giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này.
Tìm nơi đa số người giao dịch ngược xu hướng
Trong xu hướng tăng, những người giao dịch ngược xu hướng sẽ thể hiện qua những cây nến giảm mạnh, đó là những cây nến mạnh có giá mở cửa là ngay đỉnh hoặc gần với đỉnh của cây nến và có giá đóng cửa là đáy hoặc gần với đáy của cây nến.
Mỗi cây nến giảm đó cũng như một xu hướng giảm trong những khung thời gian nhỏ hơn, vì lý do đó chúng ta gọi chúng là nến xu hướng.
Trong thị trường đang tăng thì nến xu hướng giảm thể hiện dấu chân của những người giao dịch ngược xu hướng tăng. Trong thị trường đang giảm, nến xu hướng tăng thể hiện dấu chân của người giao dịch ngược xu hướng giảm.
Do đó, để tìm ra nơi mà số đông người giao dịch ngược xu hướng, chúng ta cần tìm kiếm những nến xu hướng đi ngược lại với thị trường.
Điều gì khiến cho người giao dịch ngược xu hướng thoát lệnh
Tưởng tượng rằng bạn đang giao dịch chống lại xu hướng tăng. Nó là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Bạn muốn thị trường sẽ đổ sập xuống sau khi giá đã tăng được một thời gian và cho rằng thị trường sẽ đảo chiều từ đây.
Nhưng mọi thứ không như mơ và ngay sau khi lệnh của bạn được khớp, giá lập tức chững lại hoặc chỉ đi được một đoạn ngắn. Bạn cầu may và tiếp tục giữ vị thế bán.
Tuy nhiên, sau đó giá tăng trở lại và bạn sẽ thoát lệnh bán thậm chí có thể vào tiếp lệnh mua.
Khi bạn thoát vị thế bán đồng nghĩa với việc những nhà đầu tư thông minh mua vào và họ lấy tiền từ tài khoản của bạn. Vì thế cho nên điều gì khiến cho những người giao dịch ngược xu hướng thoát lệnh.
Đó là vì giá chững lại khi họ giao dịch chống lại xu hướng thị trường. Họ bắt đỉnh nhưng sau đó lại cho rằng mình đã sai và có lẽ xu hướng tăng chưa kết thúc làm họ hoang mang lo sợ và không tự tin giữ vị thế của mình nữa.
Như thế, ý tưởng ở đây đó là tìm ra cây nến tạo thành xu hướng nhưng thất bại ngay lập tức. Chúng ta thấy được sự hoảng sợ của những người giao dịch ngược xu hướng và chúng ta vào lệnh như một người giao dịch thông minh, một tổ chức lớn.
Giao dịch với nến xu hướng thất bại
Hình 4: Biểu đồ giá tronng thực tế
Bây giờ chúng ta hãy cùng đi vào phân tích.
Hình 5: Phân tích, xác định xu hướng
- Thị trường tạo đỉnh thứ cấp A với xung lượng cực yếu.
- Thị trường tạo điểm chốt đáy thứ cấp với xung lượng mạnh.
- Giá vượt qua đáy cũ xác nhận hình thành đỉnh vững bền A.
- Sau khi hình thành đỉnh vững bền A chúng ta tiến hành vẽ đường trendline từ điểm bắt đầu qua đỉnh vững bền. Tuy nhiên, nếu kẻ qua A thì đường trendline không bao toàn bộ hành động giá, cho nên chúng ta phải vẽ đường trendline qua B.
Hình 6: Giao dịch với nến xu hướng thất bại
- Vùng giằng co xuất hiện giao cắt với đường trendline. Như vậy có thể thấy đây là vùng kháng cự rất mạnh.
- Sau khi vượt qua đáy thấp nhất trước đó để hình thành điểm chốt đỉnh vững bền thì lập tức thị trường hình thành lên hai nến tăng mạnh thể hiện số đông giao dịch ngược xu hướng.
- Sau hai cây nến tăng mạnh thì lập tức xuất hiện cây nến xu hướng thất bại. Cây nến này xuất hiện ở vùng ngưỡng cản của đường trendline và vùng giằng co. Điều đó làm cho setup này càng có độ tin cậy cao. Chúng ta không có lý do gì để không giao dịch cả.
- Tiến hành đặt lệnh chờ bán với setup nến xu hướng thất bại.
Kết luận
Set up nến xu hướng thất bại là một trong những mẫu hình thất bại đơn giản nhất. Sự đơn giản của nó cho chúng ta linh hoạt trong giao dịch vì mẫu hình này xuất hiện khá phổ biến.
Sự linh hoạt của nó thể hiện ở chỗ setup nến xu hướng thất bại có nhiều cách thể hiện khác nhau: pinbar, reversal bar…vv.
Nến xu hướng thất bại muốn giao dịch thành công thường phải kết hợp rất nhiều yếu tố khác như trendline, vùng giằng co cùng những yếu tố mang tính chất kháng cự và hỗ trợ khác.