Vòng tròn phân tích giao dịch

Chúng ta đã học làm cách nào để xác định xu hướng thị trường, tìm kiếm setup giao dịch và xác định điểm dừng lỗ, chốt lời phù hợp, bây giờ là lúc mà ta phải kết hợp mọi thứ lại thành một quy trình cụ thể để thực hiện nó lặp đi lặp lại như một vòng tròn phân tích.

Đây sẽ là một bài viết rất khô khan nên mong rằng các bạn cố gắng tập trung để chúng ta có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.

Vòng tròn phân tích

Nhận định xu hướng thị trường luôn là bước tiên quyết, sau đó là đến tìm kiếm cơ hội giao dịch và quản lý lệnh giao dịch.

Những công việc dường như có vẻ đơn giản nhưng bao hàm trong đó là nhiều yếu tố, nhiều bước cụ thể mà nếu không viết ra thì rất dễ dẫn đến việc giao dịch theo cảm tính, ngẫu hứng.

Vòng tròn phân tích sẽ bao gồm năm bước và hai mục tiêu quan trọng.

Hình 1: Vòng tròn phân tích

Hình thành quy tắc và chỉ dẫn

Để quản lý việc phân tích của chúng ta như là một hệ thống chặt chẽ và dần hình thành nên thói quen kỷ luật thì việc thiết lập nên những chỉ dẫn cũng như quy tắc giao dịch là vô cùng cần thiết.

Vì thế cho nên việc đầu tiên trong vòng tròn phân tích phải là hình thành nên các quy tắc và chỉ dẫn giao dịch phù hợp với chúng ta.

Trong bước này của vòng tròn phân tích, mục đích chính là củng cố lại những kiến thức mà chúng ta đã học về những hành vi của thị trường cũng như là hành động giá diễn ra, để từ đó ta viết ra công thức nhằm dẫn dắt ta giao dịch theo một lối khoa học.

Trước khi bắt đầu một danh sách với những quy trình phân tích thì chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa quy tắc và chỉ dẫn.

Quy tắc giao dịch là không được phá vỡ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, các quy tắc sẽ thúc ép chúng ta phải vào trong một khuôn khổ của sự kỷ luật đồng thời hỗ trợ chúng ta ra quyết định một cách nhanh chóng.

Lợi ích mấu chốt của quy tắc giao dịch là giúp chúng ta có sự kiên định chắc chắn trong giao dịch.

Ví dụ, bạn có một quy tắc giao dịch rằng bạn chỉ được giao dịch với những nến tín hiệu cùng hướng mà bạn dự định vào lệnh (vào lệnh mua khi nến tín hiệu là tăng và lệnh bán khi nến tín hiệu là giảm).

Chỉ dẫn giao dịch có thể bị phá vỡ tùy từng trường hợp mà ta cho rằng sự phá vỡ chỉ dẫn đó là hợp lý. Chỉ dẫn có thể coi là những nguyên tắc mà ta có thể bẻ cong nó đi.

Về cơ bản, những chỉ dẫn mở ra cho ta cơ hội để áp dụng sự linh hoạt trong giao dịch và có khả năng mang lại cho chúng ta một kết quả giao dịch tốt hơn.

Ví dụ, một sự chỉ dẫn rằng setup mua chỉ nên được giao dịch nếu nó xảy ra ở ngưỡng hỗ trợ. Do đó, thông thường bạn sẽ tìm kiếm các setup mua trong một xu hướng tăng khi giá hồi về vùng hỗ trợ.

Tuy nhiên, khi xu hướng thị trường rõ ràng là tăng mạnh và setup mua được thấy là rất mạnh mà tại đó không có ngưỡng hỗ trợ nào cả, lúc này bạn vẫn có thể xem xét vào lệnh dựa trên xu hướng tăng rất rõ ràng và mạnh.

Đương nhiên, những chỉ dẫn không nên bị phá vỡ quá nhiều và phá vỡ một cách vô tội vạ, thiếu cơ sở.

Không một quy tắc nào cũng như chỉ dẫn nào là tồn tại vĩnh cửu cả. Chúng có thể thay đổi, thêm vào hoặc bỏ đi.

Một quy tắc có thể trở thành một chỉ dẫn và ngược lại những chỉ dẫn cũng có thể trở thành một quy tắc nếu có các điều kiện cấu thành. Tuy nhiên, sự chuyển đổi giữa quy tắc và chỉ dẫn ít khi xảy ra và không thể thực hiện một cách tùy tiện.

Vậy khi nào thì chúng ta thay đổi giữa quy tắc và chỉ dẫn?

Chúng ta hãy để vòng tròn phân tích trả lời. Trải qua các bước lặp đi lặp lại đó, chúng ta sẽ sàng lọc được những thông tin, những lý do nhằm xác định hiệu lực của các quy tắc và chỉ dẫn.

Từ đó, nếu có sự thay đổi giữa quy tắc và chỉ dẫn thì chúng ta sẽ có lý do để giải thích cho điều đó chứ không phải thay đổi một cách tùy tiện và thiếu khoa học.

Mỗi cá nhân các bạn nên tạo ra cho mình những quy tắc và chỉ dẫn phù hợp với phong cách của mình dựa trên những kiến thức đã được học.

Những thứ bạn học được không chỉ là các kiến thức quý giá trong cuốn sách này mà có thể là những kinh nghiệm trước giờ bạn đúc kết ra hay là những kiến thức về giao dịch khác mà bạn học từ trước đến nay.

Quy tắc và chỉ dẫn giao dịch phải phù hợp với niềm tin của bạn với thị trường và phong cách riêng của bản thân.

Ví dụ, nếu bạn tin rằng chỉ giao dịch thành công trong một thị trường có xu hướng thì bạn không bao giờ giao dịch những lúc mà bạn không thấy xu hướng rõ ràng.

Bạn luôn giao dịch theo xu hướng tức là chờ giá hồi về rồi vào lệnh chứ không bao giờ cố gắng bắt đáy bắt đỉnh….

Quy tắc và chỉ dẫn giao dịch luôn phải phản ánh được cấp độ kinh nghiệm và khả năng linh hoạt trong giao dịch của bạn.  Sự linh hoạt hay còn gọi là làm theo tùy ý mình.

Với người mới bắt đầu thì tốt nhất là nên thiết lập thật nhiều quy tắc và ít chỉ dẫn. Ngược lại với những người có nhiều kinh nghiệm thì khả năng đọc hành động giá của đã ở trình độ cao và khả năng làm tùy ý rất tốt, khi đó họ có thể hạn chế quy tắc lại và tăng chỉ dẫn lên.

Các quy tắc và chỉ dẫn nên cân bằng giữa sự khắt khe và nới lỏng để mở ra cơ hội giao dịch hơn. Một quy tắc quá chặt có thể giết chết những cơ hội giao dịch tốt.

Bởi vì phần lớn thời gian rất khó tìm được những cơ hội giao dịch mà đáp ứng được tất cả mọi tiêu chí chặt chẽ chúng ta mong muốn, vì vậy sự chặt chẽ và nới lỏng cần được dung hòa với nhau một cách hợp lý.

Viết ra quá trình phân tích hành động giá

Với những quy tắc và chỉ dẫn giao dịch đưa ra, chúng ta có thể bắt đầu phân tích hành động giá trong giao dịch thực tế.

Trong mục này, chúng ta sẽ khám phá và tìm hiểu cách viết ra những phân tích để luôn giữ cho ta sự tập trung, điểu khiển cảm xúc và xây dựng sự tự tin.

Cùng với các quy tắc và chỉ dẫn giao dịch, phướng pháp này giúp chúng ta duy trì sự kiên định và không bị những cảm xúc tiêu cực tác động đến việc phân tích hành động giá.

Thêm vào đó, việc viết ra những phân tích sẽ hỗ trợ các bạn trong việc lưu lại và đánh giá chất lượng sự phân tích lệnh giao dịch sau này, để từ đó tìm ra những nhược điểm, những thiếu sót và cải thiện khả năng giao dịch.

Hình thành lối suy nghĩ làm cơ sở cho phân tích

Trước tiên, ta hãy đi qua các quá trình cơ bản của việc phân tích hành động giá và ghi chú lại như thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn về việc sử dụng những phân tích đó trong giao dịch thật, tránh sự ảnh hưởng của cảm xúc và tự tin với lệnh giao dịch mà mình sẽ vào.

Quá trình phân tích chúng ta phải kiên định làm theo các bước rất đơn giản như sau:

  1. Xác định những điểm đáng chú ý của hành động giá hiện tại. Mô tả những gì mà bạn thấy.
  2. Hiểu được ý nghĩa đằng sau những gì mà bạn thấy: Chúng cho bạn thông tin gì. Thị trường thể hiện xung lượng mạnh hay yếu? Có thể hiện lực mua hay lực bán gì không? Có yếu tố hỗ trợ nào khác không?…
  3. Kết hợp với các hành động giá trong quá khứ. Hoàn cảnh hành động giá như thế nào? Xu hướng thị trường ra sao?
  4. Quyết định mua bán hay đứng ngoài để chờ hành động giá tiếp theo.

Tóm lại, trên đây là quá trình kết hợp giữa hành động giá ở hiện tại cùng với trong quá khứ để dự đoán hành động giá trong tương lai. Đó là quá trình tạo ra giá trị từ việc quan sát và đánh giá.

Hãy đi qua một vài ví dụ nhé.

Xung lượng giảm

  1. Xác định điểm chốt đáy thứ cấp mà hình thành nên cây nến nằm hoàn toàn dưới đáy trước nó.
  2. Qua việc xác định ở trên bạn nhận thấy rằng đó là một xung lượng giảm mạnh.
  3. Hoàn cảnh bạn đang xem xét đang ở trong xu hướng tăng.
  4. Vì là ngược xu hướng nên bạn sẽ không bán nhưng cũng không vội tìm kiếm setup mua mà chờ cho có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường tăng trở lại xu hướng chính được mở ra.

Hợp các vùng giằng co

  1. Xác định giá di chuyển vào vùng giằng co và tiếp tục lại tạo tiếp các vùng giằng co khác tại đây. Hình thành nên hợp các vùng giằng co.
  2. Hiểu được rằng sự giằng co tại đây tức là giá đang trong ngưỡng kháng cự (hoặc là hỗ trợ) có hiệu lực.
  3. Nhận thấy thị trường hình thành nên mẫu hình tăng dần tăng và thị trường đang trong xu hướng tăng.
  4. Quyết định thoát vị thế mua mà bạn đang nắm giữ hoặc là chờ giá hồi về vùng hỗ trợ cộng với tín hiệu tăng để mua vào.

Mẫu hình giảm dần

  1. Xác định thị trường đã hình thành mẫu hình giảm dần tăng.
  2. Hiểu được điều đó có nghĩa là không nhiều người quan tâm mua lên nữa.
  3. Xem xét thấy thị trường đang trong xu hướng giảm và mẫu hình giảm dần tăng xuất hiện tại vị trí ngưỡng kháng cự tạo bởi vùng giằng co.
  4. Quyết định vào lệnh bán

Thực tế là chúng ta đã được xem qua hàng tá những ví dụ trong các cuốn sách này, đa phần hướng suy nghĩ của chúng ra nằm ở các vấn đề chính như sau:

  • Lý do vào lệnh.
  • Lý do đặt cũng như điều chỉnh stop loss và take profit.
  • Lý do thoát lệnh.

Bằng cách theo sát 4 bước nêu trên (xác định – hiểu- kết hợp – quyết định), chúng ta chắc chắn sẽ làm sáng tỏ được các hành động giá.

Viết ra các phân tích

Việc phân tích hành động giá là rất khác nhau giữa việc nhìn vào hành động giá hiện tại so với việc quan sát những gì đã xảy ra. Có hai khía cạnh quan trọng trong giao dịch thực tế mà việc phân tích dựa trên lịch sử giá không có được:

Khía cạnh đầu tiên là cảm xúc thật, sự chi phối của cảm xúc thật. Chúng ta có thể cảm thấy lo lắng khi giao dịch và những sự lo lắng đó có thể cực kỳ mẫu thuẫn với nhau.

Chẳng hạn như bạn lo sợ khi vào lệnh sẽ bị thua lỗ nhưng ngược lại thì sợ rằng nếu không vào lệnh thì có khi nào mình sẽ bỏ lỡ đợt di chuyển giá mạnh hay không?

Những cảm xúc lo lắng cũng như phải quyết định một cách nhanh chóng là không thể có khi phân tích giá trong quá khứ.

Trong giao dịch thực tế, những cảm xúc cùng với sự gấp rút như thế sẽ đẩy ta vào việc thấy rất nhiều cơ hội nhưng thực tế lại không như vậy. Kết quả là ta giao dịch quá nhiều, một trong những lỗi lớn nhất khi giao dịch.

Khía cạnh thứ hai đó là sự thiếu tự tin khi phân tích. Đa phần khi dạy, người ta có thể nói rất hay dựa trên những gì đã diễn ra trên biểu đồ giá.

Tuy nhiên, độ tin cậy của những phân tích mà bạn đưa ra trong khi giao dịch thực tiễn còn phụ thuộc vào kinh nghiệm. Nếu bạn tự tin với những phân tích của mình, bạn sẽ không bao giờ do dự, đắn đo trong hành động khi có cơ hội.

Ngược lại nếu không tự tin thì dù cơ hội bạn phân tích ra có tốt đến mấy thì bạn vẫn phân vân, nghi ngại đủ điều. Trong những trường hợp như vậy, bạn sẽ không bao giờ khai thác hết khả năng phân tích của mình.

Cách tốt nhất để xử lý những vấn đề phức tạp là viết ra quá trình phân tích của mình. Sự ghi chép lại phân tích sẽ phục vụ tốt cho các bạn sau này trong việc tổng kết và tìm ra những thiếu sót, những điểm chưa phù hợp để từ đó thay đổi cách nhìn nhận và phân tích tốt hơn.

Những vấn đề khi phân tích cần quan tâm

Khi phân tích, hãy viết ra những nhận định của mình về xu hướng thị trường. Viết ra nếu có đường trendline hỗ trợ cho xu hướng, viết ra nếu như xung lượng mạnh có cùng hướng với đường trendline. Viết ra những gì mà các setup giao dịch nói cho bạn về xu hướng thị trường.

Viết ra sự ước lượng của bạn về điểm chốt lời, cơ sở nào đưa ra điểm chốt lời đó và các yếu tố hỗ trợ.

Viết ra nếu như setup mà bạn thấy là có chất lượng tốt và giải thích được tại sao nó tốt.

Viết ra những gì khiến bạn mua và những gì khiến bạn bán.

Viết ra lý do tại sao bạn lại phá vỡ những chỉ dẫn giao dịch. Sự phá vỡ đó có phải là tùy tiện và thiếu căn cứ hay không.

Hãy viết ra tất cả những suy nghĩ của bạn về hành động mà bạn phân tích một cách thật nghiêm túc. Giống như bạn đang làm để trình lên sếp kiểm tra vậy.

Nó sẽ giúp bạn phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng những gì mà bạn đưa ra và tránh khỏi yếu tố cảm xúc hay ngẫu hứng.

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng những ký hiệu riêng, có thể viết tay hoặc đánh máy, làm sao mà tiết kiệm thời gian nhất có thể cho bạn là được, không cần phải viết ra những câu cú đầy đủ chi tiết, hay là viết thật nắn nót.

Viết ra những phân tích là một cách đơn giản và hiệu quả nhất để giúp bạn nhìn lại và đánh giá những phân tích chủ quan của bạn một cách khách quan.

Đôi khi một thời điểm trước đây ta làm như thế nhưng sau đó bạn nhìn lại và không hiểu tại sao mình làm như vậy, chỉ có ghi ra quá trình phân tích và sau đó nhìn lại thì bạn mới đánh giá được cách phân tích và nhìn nhận của mình vào thời điểm đó ra sao, lúc đó bạn như một người trung lập, một người ngoài cuộc nhìn vào.

Tất cả những nhận định của chúng ta đều mang tính chủ quan, nhưng sự chủ quan đó là có căn cứ, có cơ sở. Tuy nhiên, những nhận định mang tính cảm xúc là không tốt chút nào.

Bằng cách viết ra những phân tích sẽ ép chúng ta vào một khuôn khổ mà những hành động được xuất phát từ những căn cứ chắc chắn, tránh khỏi những quyết định dựa trên cảm xúc.

Chẳng hạn bạn viết ra: “xung lượng tăng đã được thể hiện bởi điểm chốt đỉnh thứ cấp gần nhất cho nên phải chờ đến khi nào xung lượng giảm giành lấy quyền kiểm soát”.

Khi đã viết ra câu trên và lúc phân tích thị trường bạn nhìn lại những dòng chữ này thì khả năng bạn vào một lệnh bán là rất thấp. Thậm chí là nếu bạn vào lệnh bán thì bạn lập tức nhận ra ngay hành động đó là ngu xuẩn, là một hành động cầu may và bị chi phối bởi cảm xúc.

“giá bật ra từ đường trendline tăng với mẫu hình giảm dần giảm. Nến tín hiệu là một nến đảo chiều tăng phản ứng với vùng giằng co. Đây là một setup tốt. điểm chốt lời là vùng giao nhau giữa kênh giá với hai khoảng giá di chuyển tương đương. Chắc chắn thị trường sẽ chạm take profit trước khi hít stop loss ở dưới nến tín hiệu.”

Bạn viết ra phân tích trên và tiến hành vào lệnh mua sau đó. Thế nhưng thật trớ trêu là bạn bị hít stop loss khi mà giá đã gần chạm take profit.

Vậy có phải đó là một lệnh tồi tệ không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Với cá nhân bạn thì có thể hơi nuối tiếc một chút nhưng chắc chắn là vẫn hài lòng về lệnh giao dịch này mặc dù đã thua lỗ.

Đó là bởi vì bạn đã làm theo kỷ luật, vào lệnh dựa trên những cơ sở vững chắc và hợp lý. Chất lượng của cơ hội giao dịch được xác định trước khi chúng ta vào lệnh chứ không phải sau khi thoát lệnh.

Bạn đã kết luận đó là một setup tốt trước khi vào lệnh. Bất kể thành quả giao dịch thế nào thì nó vẫn là một lệnh giao dịch tốt, trong tự nhiên luôn có xác xuất và hãy nên nhớ rằng trong chương trước chúng ta đã xác định rằng 40% khả năng lệnh thắng thì được cho là chắc chắn.

Hãy tưởng tượng bạn vào 100 lệnh và lệnh nào bạn cũng tuân thủ kỷ luật và phân tích như trên thì dù có thắng 40 lệnh thì ta vẫn có lợi nhuận thậm chí là lớn (vì thông thường những lệnh giao dịch tốt cho tỉ lệ lời:lỗ cao). Đó cũng là cách mà ta gọi là LÀM CHỦ XÁC XUẤT.

Xây dựng sự tự tin trong kỹ năng giao dịch

Viết ra những phân tích là chìa khóa để bạn tự tin trong giao dịch. Để đạt được mục tiêu này thì không những chúng ta ghi lại sự quan sát hành động giá mà còn phải đưa ra sự kỳ vọng tương đương với những gì mà ta đã đưa ra.

Viết ra những gì bạn nghĩ nó sẽ xảy ra tiếp theo hoặc kỳ vọng nó sẽ xảy ra như thế nào. Viết ra những gì có thể không xảy ra. Thậm chí nếu những điều bạn nghĩ không xảy ra mà nó vẫn xảy ra thì sẽ ứng phó như thế nào.

Viết ra những hành động giá sẽ xác nhận những gì mà bạn nghĩ ở trên cũng như sự hình thành các hành động giá xác nhận rằng đã đi ngược lại so với những gì mà bạn kỳ vọng.

Chúng ta chắc chắn không thể đúng hoàn toàn nhưng bạn sẽ đúng nếu như biết được mình sai ở đâu. Nếu chúng ta không dự tính về những khả năng mà thị trường đi ngược lại suy nghĩ của chúng ta thì rất dễ rơi vào thế bị động.

Nếu bạn luôn muốn rằng tất cả những sự quan sát và phân tích hành động giá của mình phải đúng hoàn toàn thì điều đó thật nguy hiểm.

Việc viết ra những gì bạn dự đoán sẽ xảy ra tiếp theo là một bước quan trọng trong quá trình mài dũa kỹ năng giao dịch và nhận được sự tự tin trong việc đọc và phân tích hành động giá thực tế.

Hình sau sẽ thể hiện cho các bạn thấy về chu kỳ ghi chép, học hỏi, rút kinh nghiệm và tăng dần sự tự tin được lặp đi lặp lại.

Hình 2: Vòng tròn tiến bộ

Bắt đầu bằng việc ghi chép lại những gì bạn quan sát được về hành động giá. Ví dụ, bạn thấy rằng giá đang di chuyển xuống gần đường trendline tăng nhưng không thể hiện được một xung lượng giảm mạnh, bạn ghi lại điều này.

Cùng với sự quan sát đó bạn cũng ghi lại những gì mà mình mong đợi thị trường sẽ diễn ra. Chẳng hạn bạn muốn giá sẽ bật ra từ đường trendline tăng, đồng thời thể hiện sự hỗ trợ rõ ràng, cùng với đó là hình thành nên một trong tám setup mà ta đã học…v.v

Sau đó bạn theo dõi hành động giá. Khi thị trường cuối cùng đã phản ứng với đường trendline, nó hình thành nên mẫu hình giảm dần giảm rồi tăng lên tạo đỉnh mới, bạn cũng ghi lại kết quả đó.

Cuối cùng bạn sẽ nhìn lại và so sánh kết quả mình mong đợi với kết quả thực tế xảy ra. Qua đó thấy được ta đã phân tích được điểm nào và khác với thực tế điểm nào, vì sao lại khác như vậy…

Cứ mỗi vòng lập đi lập lại như vậy chúng ta sẽ tìm ra những yếu điểm hay là những cách nhìn chưa đúng đắn về thị trường để thay đổi, ngày một hoàn thiện kỹ năng giao dịch hơn.

Hãy tập trung vào những điều quan trọng mà bạn đã ghi ra từ việc quan sát thị trường. Phải có kết quả mà bạn mong muốn lẫn kết quả mà bạn đạt được.

Nếu không làm như thế thì sẽ rất dễ đi vào con đường sai lầm mà đôi khi chính bản thân chúng ta lại phủ nhận những gì mà mình suy nghĩ trước kia hay là mỗi lúc bạn đánh giá một sự việc là khác nhau, dẫn đến sự rối loạn và thiếu thống nhất.

Phân loại quá trình phân tích giao dịch

Đừng bao giờ bị cuốn vào việc đánh giá kết quả giao dịch mà không phân loại, sắp xếp và xem lại quá trình phân tích trước khi vào lệnh. Sự phân loại này thường là công việc mà nhiều người giao dịch thường bỏ qua.

Để phân loại phân tích giao dịch của bạn, hãy dựa theo những quy tắc và chỉ dẫn đã đưa ra trước khi phân tích. Dựa theo các quy tắc và chỉ dẫn giao dịch thì có thể chia làm 3 loại cụ thể như sau:

Loại Tuân theo nguyên tắc Tuân theo chỉ dẫn Phá vỡ chỉ dẫn có cơ sở
Kiên định X
Linh hoạt Không
Chộp giật Không Không
Không Không Không
Không X

Bảng 1: Các tiêu chí để phân loại giao dịch

Nếu bạn hoàn toàn tuân theo các quy tắc và chỉ dẫn thì đó là một giao dịch kiên định.

Quy tắc là bất khả xâm phạm và bất cứ khi nào bạn phá vỡ quy tắc giao dịch thì đó chỉ là những giao dịch mang tính chộp giật và thiếu kỷ luật.

Tuy nhiên, nếu ta phá vỡ một chỉ dẫn thì đó có thể là một lệnh giao dịch linh hoạt hoặc là chộp giật. Nếu bạn có thể lý giải được một cách hợp lý trong những trường hợp hành động giá đa dạng mà không thể cứng nhắc làm theo các chỉ dẫn đã đưa ra thì đó là một giao dịch mang tính chất linh hoạt.

Ngược lại, nếu bạn tùy tiện phá vỡ các chỉ dẫn mà không biết vì sao mình lại làm như thế thì đó là những giao dịch mang tính chộp giật.

Ví dụ, chỉ dẫn giao dịch mà bạn đưa ra khuyên bạn chỉ nên vào lệnh mua khi mà setup giao dịch đang nằm trong vùng hỗ trợ.

Tuy nhiên bạn đã giao dịch với setup mà nó chưa đến một vùng hỗ trợ nào cả bởi vì bạn nóng vội, ngày hôm nay bạn thấy mình chưa vào một lệnh nào cả và không thể kiên nhẫn chờ đợi hơn nữa, đó là một giao dịch mang tính chộp giật.

Ngược lại, nếu bạn giao dịch với setup trên khi chưa đến vùng hỗ trợ nhưng để ý thấy rằng tại đây hình thành một lúc nhiều mẫu hình và setup giao dịch (chẳng hạn như giảm dần cùng với đó là vùng sức ép).

Bạn phá vỡ vì lý do đó thì đây được coi là một giao dịch mang tính chất linh hoạt.

Trong thực tế ta không thể dự liệu được hết các tình huống và chỉ dẫn cũng thế, mỗi chỉ dẫn là một tình huống cụ thể, khi ta viết chỉ dẫn đó ra là đã thể hiện được sự tập trung và kỷ luật trong giao dịch rồi, ta không cần phải ngồi cả ngày để mà nghĩ hết các chỉ dẫn nhằm không bỏ qua một cơ hội giao dịch nào.

Với việc quan sát thị trường và nảy sinh một trường hợp nào đó mà bạn có thể cảm nhận và phân tích được ý nghĩa đằng sau nó, từ những phân tích đó đã đưa ra được lý do để giao dịch mà không cần chờ đến khi thị trường xảy ra đúng như những chỉ dẫn mình đã viết.

Từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội giao dịch hơn cho những người đã có kinh nghiệm và khả năng đọc hành động giá tốt.

Sự phân loại ba dạng phân tích giao dịch như trên là cực kỳ quan trọng cho việc giao dịch của chúng ta. Bằng cách học theo các giao dịch kiên định, chúng ta có thể kiểm tra được sự đúng đắn của các quy tắc và chỉ dẫn ta đặt ra.

Nhìn vào nhóm giao dịch mang tính linh hoạt, chúng ta có thể đánh giá được khả năng và kỹ năng linh hoạt trong giao dịch của bản thân.

Bằng cách xem lại những giao dịch mang tính chộp giật, bạn sẽ dần khắc chế được những điểm yếu của bản thân và tự nhắn nhủ rằng lần sau mình không thể phạm sai lầm đó nữa, tránh được sự chi phối của tâm lý.

Ví dụ, sau khi bạn đã chọn ra một vài giao dịch kiên định và một vài giao dịch linh hoạt để làm mẫu kiểm nghiệm thì thấy rằng các giao dịch kiên định có tỉ lệ thắng cao trong khi các giao dịch linh hoạt lại cho tỉ lệ thắng rất thấp.

Vì vậy bạn kết luận rằng chỉ nên giao dịch theo khuôn khổ mà các quy tắc và chỉ đã đưa ra. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm ra một số lý do vì sao mà khi giao dịch linh hoạt bạn thường bị thua, từ đó bổ sung thêm vào các chỉ dẫn giao dịch của bạn.

Thêm vào đó, các giao dịch chộp giật chắc chắn đa phần là thua lỗ, do đó những giao dịch đó sẽ đe dọa đến lợi nhuận của bạn rất nhiều. Từ đó mở ra cho bạn một động lực to lớn để quyết tâm tránh khỏi những giao dịch mang tính chộp giật, và thiếu kỷ luật.

Trong quá trình phân loại các giao dịch, bạn cũng phải giữ một thái độ khách quan và thẳng thắn. Thường thường giữa các giao dịch linh hoạt và các giao dịch chộp giật dễ khiến chúng ta nhầm lẫn và phân loại không đúng.

Hoặc chính cái tôi của bản thân không cho rằng giao dịch đó là chộp giật mà biện hộ rằng mình đã vào lệnh có căn cứ nào đó nhưng không nhớ rõ.

Việc phân biệt giữa giao dịch linh hoạt và giao dịch chộp giật là dựa trên sự phá vỡ các chỉ dẫn có cơ sở hay không, giải thích được sự phá vỡ chỉ dẫn đó hay không.

Ví dụ, ta vẫn lấy chỉ dẫn đã nói ở trên rằng chỉ vào lệnh mua khi xuất hiện setup giao dịch tại vùng hỗ trợ. Bạn đã giao dịch mà không tuân theo chỉ dẫn này.

Lý do mà bạn đưa ra bởi vì đó một giao dịch vào lại lệnh tương đương với setup là giảm dần giảm đồng thời hình thành nên mẫu hình nến xu hướng thất bại, bãn đã thấy sự thua lỗ xảy ra khi lệnh ban đầu được vào (giả định) và bạn quyết định giao dịch vào lại lệnh.

Chúng ta biết rằng vào lại lệnh luôn có độ tin cậy cao hơn so với lệnh ban đầu. Vì thế sự phá vỡ chỉ dẫn là có lý do chính đáng và bạn cũng xác định được nguyên nhân vì sao lại vào lệnh mà không theo chỉ dẫn. Đó là một lệnh linh hoạt.

Nếu như bạn không rõ câu trả lời để giải thích vì sao bạn vào lệnh mà không tuân theo chỉ dẫn thì đó chắc chắn là một lệnh giao dịch chộp giật.

Để phục vụ tốt cho quá trình phân loại thì bạn nên ghi lại thật kỹ những lý do mà khiến bạn phá vỡ sự chỉ dẫn nào đó.

Đi sâu hơn nữa là ngay bản thân chúng ta thường có một vấn đề. Chúng ta thường biện minh và tự phán ra câu trả lời cho những hành động phá vỡ chỉ dẫn của mình.

Và nhiều khi theo cảm hứng của từng thời điểm, từng hoàn cảnh mà dễ công nhận những giao dịch chộp giật trở thành giao dịch linh hoạt và ngược lại.

Vậy tại sao chúng ta lại công nhận một giao dịch chộp giật trở thành một giao dịch linh hoạt?

Một lý do đó là chúng ta không muốn thừa nhận rằng đã thiếu kiên định và giao dịch theo cảm xúc, cái tôi của bạn không cho phép như thế.

Do đó chúng ta có xu hướng biện minh cho những hành động của chính mình là đều có một lý do nào đó và chấp nhận xếp chúng vào với những giao dịch linh hoạt.

Một lý do khác nữa đó là may mắn là một số giao dịch chộp giật lại đem lại lợi nhuận. Bạn cảm thấy tự hào và coi như đó là một sự giao dịch linh hoạt tuyệt vời.

Vì có lợi nhuận nên bạn không còn quan tâm nhiều đến lý do mình sai ở đâu? Vì sao lại vào lệnh?

Có những lúc chúng ta lại thừa nhận một giao dịch linh hoạt thành giao dịch chộp giật. Vì sao?

Một lý do phổ biến đó là lệnh giao dịch đó trở nên thua lỗ. Chúng ta không muốn thừa nhận rằng kỹ năng giao dịch của mình có vấn đề mà đẩy trách nhiệm cho rằng lúc đó ta không được tỉnh táo và quá mệt mỏi với công việc chính nên không giao dịch theo các quy tắc và chỉ dẫn đã đề ra.

Bằng cách đó, bạn cũng tự bảo vệ chiến thuật giao dịch của mình, ít nhất là trong tâm trí của bạn.

Như vậy, thành quả giao dịch cũng ảnh hưởng nhất định đến việc phân loại phân tích giao dịch.

Tóm lại, chúng ta có những quy tắc và chỉ dẫn giao dịch và đã phân tích hành động giá theo những quy tắc và chỉ dẫn đó trước khi quyết định giao dịch.

Sau đó sẽ xác định rằng mỗi phân tích giao dịch đó là kiên định, linh hoạt hay là chộp giật. Hãy phân loại một cách khách quan mà không quan tâm hay chịu ảnh hưởng của kết quả giao dịch.

Đánh giá lại kết quả giao dịch

Trong bước này, bạn sẽ dùng kết quả những lệnh giao dịch đã qua để đánh giá và trả lời 3 câu hỏi.

  • Bạn có giao dịch sắc sảo không?
  • Bạn nên giao dịch khối lượng bao nhiêu?
  • Bạn cải thiện giao dịch như thế nào?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta sẽ phải phân tích và thống kê lại nhật ký những lệnh giao dịch của chúng ta. Bạn phải tự lập cho mình một nhật ký lưu các lệnh giao dịch một cách tỉ mỉ, có thể nhờ sự hỗ trợ thống kê rất tốt của trang MQL5.com.

Sau khi đã trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta sẽ kiểm tra lại quy tắc và chỉ dẫn giao dịch nhằm bổ sung hay chỉnh sửa cho chúng ngày một hoàn thiện hơn.

Kiểm tra, bổ sung quy tắc và chỉ dẫn giao dịch

Đây là lúc mà ta hoàn thiện vòng tròn phân tích. Mục đích cốt lõi của bước này là nhìn nhận lại những bước trước đã qua trong vòng tròn phân tích đồng thời cải thiện và chuẩn bị vũ khí mới tối tân hơn cho đợt chiến đấu với vòng tròn lặp lại lần sau.

Có hai điểm quan trọng mà bạn nên chú ý khi kiểm tra lại những quy tắc và chỉ dẫn.

Đầu tiên, đừng thay đổi quy tắc mà vấn đề chỉ tìm thấy dựa trên số ít lệnh. Cũng giống như trong khoa học thống kê, xác xuất để chứng minh tính đúng sai của một vấn đề cần lựa chọn đủ lượng mẫu có khả năng đại diện cho số đông.

Thứ hai, tránh sự thay đổi quá quyết liệt. Kiểm tra và bổ sung là làm cho các quy tắc cũng như chỉ dẫn trở nên hoàn thiện hơn chứ không thể thay đổi để giết chết cơ hội giao dịch

Lời kết

Vòng tròn giao dịch là những việc làm phụ, giống như bạn làm công việc nhà, nội trợ còn giao dịch, vào lệnh giống như công việc chính, công việc hành chính Nhà nước vậy.

Tuy nhiên, những việc phụ đó lại vô cùng quan trọng và không thể thiếu được. Nó hình thành nên bộ khung giúp chúng ta làm việc một cách kỷ luật và bài bản bất kể bạn giao dịch với chiến thuật nào, khung thời gian nào và loại thị trường nào.

Với việc bám lấy vòng tròn phân tích này và lặp đi lặp lại thì chắc chắn khả năng giao dịch của bạn sẽ ngày càng hoàn thiện và sự tự trong phân tích và giao dịch cũng càng được củng cố hơn.

Bạn có muốn tự mình tạo ra thành công trong giao dịch cho bản thân mà không cần phải có sự hỗ trợ của bậc thầy giao dịch nào không?

Bạn có muốn luôn tạo ra lợi nhuận dù thị trường luôn biến động không?

Nếu bạn muốn thì chỉ có một cách duy nhất là phải áp dụng vòng tròn phân tích vào trong giao dịch. Đừng lười nhác, đừng nghĩ rằng việc giao dịch chỉ là click chuột vào lệnh và lấy lợi nhuận. Bạn sẽ không bao giờ có lợi nhuận nếu không xem giao dịch là một nghề kiếm tiền nghiêm túc.

.

Bình luận

Một bình luận cho “Vòng tròn phân tích giao dịch”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *