Khi đến với thị trường Forex thì hầu hết là chúng ta giao dịch với các cặp tiền chính (Forex Major), các cặp tiền chính là sự góp mặt những tiền tệ của các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, lạ thay là các cặp tiền này không hề có Trung Quốc và đồng CNY.
Tại sao lại như vậy thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết ở phần bên dưới đây:
Sơ lược về đất nước Trung Quốc
Khi nói đến Trung Quốc thì có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ đến những bộ phim cổ trang đầy hấp dẫn hay những bộ phim lịch sử của Trung Quốc ly kỳ, gay cấn.
Trung Quốc có hàng ngàn năm lịch sử với truyền thống văn hoá vô cùng đặc sắc đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trong đó có cả Việt Nam chúng ta.
Trung Quốc có diện tích lãnh thổ lớn thứ 3 và dân số đông nhất trên thế giới bên cạnh đó nó còn là quê hướng của nhiều cảnh quan kỳ vỹ như là vạn lý trường thành và ngày nay rất nhiều công trình xây dựng kỳ vỹ cũng đã được Trung Quốc khánh thành.
Trung Quốc lần đầu tiên được coi là một quốc gia thống nhất vào năm 221 trước Công nguyên, do triều đại nhà Tần cai trị.
Có thể nói hiện tại đang là “thời” của Trung Quốc khi mà mọi lĩnh vực của Trung Quốc đều rất phát triển không chỉ là kinh tế, công nghệ, nông nghiệp, sản xuất mà còn cả lĩnh vực thể thao, giải trí, điện ảnh…
Các số liệu cơ bản về Trung Quốc
Dưới đây sẽ là các cón số cụ thể về Trung Hoa dân quốc:
- Các nước láng giềng: Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga
- Diện tích: 9.596.961 km2
- Dân số: 1.411.778.724 (điều tra năm 2020)
- Mật độ: 145 người /km2
- Thủ đô: Bắc Kinh (dân số: 11.716.000)
- Nhà Lãnh đạo: Tập Cận Bình
- Tiền tệ: Nhân dân tệ (CNY)
- Các mặt hàng nhập khẩu chính: xăng dầu, đồng, sắt, thép, máy móc, nhựa, thiết bị y tế, hóa chất hữu cơ
- Các mặt hàng Xuất khẩu chính: gạo, hàng may mặc, quần áo, máy văn phòng, hàng điện tử, máy móc, thép.
- Đối tác nhập khẩu chính: Hàn Quốc 9,4%, Nhật Bản 8,3%, Đài Loan 8%, Hoa Kỳ 7,8%, Úc 5%, Đức 4,8%
- Đối tác xuất khẩu chính: Hồng Kông 17,4%, Hoa Kỳ 16,7%, Nhật Bản 6,8%, Hàn Quốc 4,1%
- Múi giờ: GMT + 8, GMT + 7, GMT +6, GMT +5, GMT + 4
Tổng quan về nền kinh tế Trung Quốc
Bắt đầu từ năm 2010 thì Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ đây Trung Quốc được xem là đối trọng của Mỹ ở nhiều phương diện cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự và xã hội.
Thậm chí xét về GDP thì thì có nhiều báo cáo còn tính toán rằng Trung Quốc đã vượt lên trên cả Mỹ nhưng thua về bình quân thu nhập đầu người, vì có khá nhiều báo cáo cũng như con số trên các trang mạng nên THGOLD không chia sẻ con số cụ thể vì không biết con số nào là chính xác.
Trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây thì nền kinh tế của Trung Quốc phát triển nhanh nhất trên thế giới với mức trung bình 10% mỗi năm.
Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng chóng mặt trong những năm thập kỷ 1990 và 2000. Điều này đưa nền kinh tế đang bùng nổ của nó lên hàng đầu về tốc độ tăng trưởng.
Thương mại xuất khẩu cũng đóng một vai trò quan trọng. Với việc là nước xuất khẩu mạnh nhất thế giới thì Đồng nhân dân tệ được định giá thấp giúp hàng hóa Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế.
Trong tỷ lệ cơ cấu lao động thì 40,6% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, 29,9% trong công nghiệp và 29,5% trong nông nghiệp.
Tuy nhiên cũng từ sự phát triển thần tốc mà đã có những mối lo âu rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển quá nóng và khả năng lạm phát tăng cao.
Để điều tiết được nền kinh tế phát triển bền vững, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ khác nhau để dễ dàng chuyển đổi sang các mức tăng trưởng bền vững hơn.
Chính sách tiền tệ và tài khóa của Trung Quốc
Cơ quan đầu não phụ trách các chính sách tiền tệ của Trung Quốc đó là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – The People’s Bank of China (PBoC).
Bên cạnh việc kiểm soát lãi suất và các yêu cầu về tỷ lệ dự trữ cũng như lưu thông tiền tệ, PBoC còn có nhiệm vụ điều tiết các tổ chức tài chính ở Trung Quốc đại lục.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được coi là tổ chức tài chính nắm giữ các công cụ tài chính công khổng lồ nhất thế giới. Cụ thể đó là có hơn 1,3 triệu tỷ USD tín phiếu kho bạc và cả các trái phiếu của quốc gia khác mà Trung Quốc cho vay đang nắm giữ.
Đó là những công cụ trong thị trường mở, còn đối với lãi suất thì Trung Quốc có một quy tắc rất khác biệt về tăng hoặc giảm lãi suất.
Trước đây là nó theo quy tắc luôn tăng hoặc giảm theo mức 9, cụ thể hơn là tăng giảm con số 0.09%, chẳng hạn như tăng từ 0.9% lên 0.99% hoặc giảm từ 0.9% xuống còn 0.81%.
Nhưng hiện nay thì nó sẽ tăng giảm theo con số 25, cụ thể hơn là mức 0.25%. Chẳng hạn từ 3% mà tăng lên 3.25% hoặc là 3.5%…
Ngoài việc điều chỉnh và quy định cụ thể về lãi suất thì nó còn quy định về các mức dự trữ tiền tệ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trong kho tiền tệ của mình.
Làm sao các kho dự trữ tiền tệ đó luôn đảm bảo có đủ tiền đáp ứng được việc lưu thông cũng như điều tiết được lạm phát kinh tế trong mức cho phép.
Đặc điểm của đồng tiền CNY
Trung quốc là một quốc gia có chính sách ngoại hồi đặc biệt và nó đang trong quá trình cải cách chính sách tỷ giá hối đoái của mình.
Sở dĩ đồng CNY không được giao dịch trên thị trường ngoại hội là bởi vì đồng nhân dân tệ vẫn được cố định giá trị với đồng đô la Mỹ.
Điều đó có nghĩa là nếu đồng đô la Mỹ tăng hoặc giảm giá trị, thì đồng nhân dân tệ sẽ tăng hoặc giảm tương ứng nên nó không có sự biến động về tỷ giá. Tương tự là tỷ giá với các đồng ngoại tệ khác cho nên đồng CNY không có mặt trong các cặp tiền giao dịch ngoại hối mà chúng ta sử dụng.
Chính vì sự ghim giá như vậy mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, không để ngoại hối hoạt động theo đúng quy luật thị trường của nó.
Và việc định giá đồng Nhân dân tệ có giá trị thấp hơn so với các tiền tệ khác nên các quốc gia khác cho rằng đó chính là một sự không công bằng để tạo lợi thế cho Trung Quốc trong hoạt động thương mại quốc tế và là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Ví dụ như sau:
Một sản phẩm A có giá là 1,000 CNY và khi mua bán giữa những người bán và người mua trong nước thì giá của nó vẫn luôn là 1,000 CNY, không có gì thay đổi.
Nhưng nếu là người nước ngoài mua món hàng này của Trung Quốc thì câu chuyện lại khác. Giả sử khi với đồng VND có tỷ giá là 1 CNY = 4,000 vnd thì khi chúng ta mua món hàng A đó sẽ phải trả là 4,000,000 vnd (1,000 x 4,000).
Nhưng nếu như bây giờ định giá của 1 CNY giảm xuống chỉ còn bằng 3,500 vnd thôi thì lúc này chúng ta sẽ chỉ mất là 3,500,000 vnd cho món hàng A.
Khi này chúng ta đã có thể mua được món hàng A rẻ hơn mà Trung Quốc vẫn nhận về 1,000 CNY. Trong khi đó nếu bạn mua cũng món hàng đó ở quốc gia mà họ định giá tiền của họ cao thì có thể tốn nhiều tiền hơn số tiền mà bạn mua của Trung Quốc.
Thậm chí nhiều món hàng của Việt Nam chúng ta cũng tương tự như Trung Quốc nhưng đắt gấp nhiều lần và người mua chọn mua của Trung Quốc có lợi hơn.
Điều đó lý giải vì sao mà CNY định giá thấp sẽ là lợi thế trong thương mại quốc tế cho Trung Quốc và Trung Quốc luôn muốn như vậy.
Các chỉ số và tin tức quan trọng của đồng CNY
Các chỉ số kinh tế quan trọng mà nó ảnh hưởng đến giá trị của đồng CNY cụ thể như sau:
- GDP: Tổng sản phẩm quốc nội, Con số này rất quan trọng và ảnh nhiều đến chính sách tiền tê của một quốc gia. GDP phản ánh mức độ tăng trưởng hoặc suy thoái của nền kinh tế và chỉ số này sẽ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo hàng quý.
- CPI: Chỉ số giá tiêu dùng, con số này nó phản ánh mức giá cả hàng tiêu dùng biến động như thế nào trong một thời gian cụ thể. Nếu chỉ số CPI hàng năm vượt quá hoặc thấp hơn mức mục tiêu của chính phủ Trung Quốc, PBoC sẽ sử dụng các công cụ để điều chỉnh chính sách tiền tệ sao cho duy trì được sự phát triển kinh tế ổn định.
- Trade Balance: Cán cân thương mại, Trung Quốc là một quốc gia xuất siêu tức là giá trị xuất khẩu cao hơn giá trị nhập khẩu và thặng dư thương mại giữa xuất khẩu so với nhập khẩu lên tới con số 670 tỉ USD. Vì vậy chỉ số về cán cân thương mại là rất quan trọng để đánh giá nền kinh tế cũng như ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ
- PBoC Interest Rate Decision: Đây là quyết định cuối cùng được đưa ra bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và nó dựa trên nhiều yếu tố trong đó có các chỉ số đã đề cập ở trên. Lãi suất chính là thứ trực tiếp làm ảnh hưởng đến giá trị của đồng nội tệ CNY.
Lời kết
Trên đây chúng ta đã tìm hiểu sơ bộ xong về đất nước Trung Quốc và đồng CNY.
Mặc dù đồng CNY chúng ta sẽ không thấy trên phần mềm giao dịch Forex nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao Trung Quốc giàu mạnh như vậy mà đồng CNY không là những đồng tiền chính để giao dịch. Và thông qua bài học này thì chúng ta đã hiểu được vì sao lại như vậy.