Price action là gì? Một số thắc mắc có liên quan đến PA (hành động giá)

Nhiều bạn khi mới biết đến thị trường tài chính và thông qua một số bài viết nào đó đã nghe đến cụm từ price action hay viết tắt PA hoặc tiếng Việt gọi là hành động giá. Vậy price action là gì? chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Price action là gì?

Price action là một chiến thuật hay một trường phái giao dịch thuộc phương pháp phân tích kỹ thuật. Nói đến phân tích kỹ thuật thì có lẽ các bạn đã quá quen với những hệ thống giao dịch gồm một số chỉ báo như đường Moving Average, Bolinger Band, Ichimoku…

Nhưng hôm nay tôi muốn làm rõ cho các bạn rằng phân tích kỹ thuật nó có thể chia ra làm 3 loại đó là: Phân tích kỹ thuật với chỉ báo, phân tích kỹ thuật với price action và cuối cùng là phân tích kỹ thuật kết hợp cả price action và chỉ báo.

Price action là một phương pháp phân tích kỹ thuật mà đôi khi nó không hẳn là phân tích kỹ thuật. Hmmm, nghe có vẻ trừu tượng và triết học quá, kiểu như “nó là nó nhưng cũng không phải là nó” :v .

Nói như vậy bởi vì price action không thiên về sử dụng các indicator mà chủ yếu sử dụng biểu đồ nến mà thôi (thuần price action).

Người giao dịch price action có thể sử dụng thêm một hoặc một vài chỉ báo (loại thứ 3) chẳng hạn như đường MA để hỗ trợ thêm trong phân tích giao dịch nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ và không phải là yếu tố quyết định việc vào lệnh.

Trong mỗi nền tảng giao dịch đều có 3 dạng biểu đồ là line chart, bar chart và candlestick chart. Price action sử dụng duy nhất một biểu đồ là candlestick chart để phân tích.

Price action thiên về phân tích hành động mua bán của nhà đầu tư thông qua các dạng nến xuất hiện trên biểu đồ, một khi hiểu được quy luật mua bán đằng sau thị trường thì người giao dịch có cơ sở đưa ra quyết định giao dịch phù hợp cho mình.

Hành động giá cho phép nhà đầu tư đọc thị trường và đưa ra các phán đoán, nhận xét, đánh giá một cách chủ quan dựa trên các biến động giá trong quá khứ gần chứ không phải dựa vào các tín hiệu của chỉ báo. Đó cũng là lý do vì sao nói hành động giá là phân tích kỹ thuật mà không hẳn là phân tích kỹ thuật.

Giao dịch price action thường bỏ qua các yếu tố phân tích cơ bản và chỉ tập trung vào quan sát biểu đồ biến động giá trong một khoảng thời gian phù hợp ở quá khứ tuỳ thuộc vào khung thời gian bạn giao dịch.

Price action tạo điều kiện phát huy kỹ năng riêng của từng cá nhân khi họ phân tích thị trường, có thể cùng một phương pháp giao dịch hành động giá nhưng hai người sẽ có cách nhận định và phân tích khác nhau vì chúng không có một công thức chung nào cả.

Nó không dựa vào tín hiệu chỉ báo đưa ra một cách thụ động mà khuyến khích người giao dịch đi sâu vào những diễn biến thực tế của thị trường đó, chính là các cây nến trên biểu đồ giá.

Đây có thể nói là cách tối ưu nhất để giao dịch bởi tín hiệu chỉ báo phần lớn là sai hoặc không hiệu quả khi giao dịch vì chúng cho tín hiệu sớm hoặc muộn mà không thể cho một thời điểm chính xác và phù hợp nhất để vào lệnh kèm theo đó là khả năng quản lý vốn hiệu quả nhất.

Ví dụ:

  1. Dù sóng giảm đã hình thành trước đó khoảng chục cây nến nhưng đến cây nến giảm này thì sự cắt nhau của hai đường MA 8 (màu đỏ) và MA 21 (màu xanh) mới rõ ràng để xác nhận tín hiệu cho chúng ta vào lệnh.
  2. Tuy nhiên thì giá chỉ tiếp tục giảm một khoảng rất ngắn thì quay đầu tăng cho thấy chúng ta đã vào lệnh quá trễ khi mà sóng giảm đã đi được 2/3 quãng đường.
  3. Tiếp tục đến với sóng tăng sau đó thì biểu đồ đã hình thành sóng tăng được một khoảng khá xa mới đến được cây nến cho tín hiệu MA8 cắt lên MA21 để vào lệnh mua. Ở lệnh này có thể chúng ta thắng nhưng sẽ có một số vấn đề nảy sinh mà sau ví dụ này tôi sẽ giải thích rõ cho các bạn thấy.
  4. Như đã nói ở trên thì giá đã đi được một khoảng lớn.
  5. Nếu giao dịch theo price action thì bạn hoàn toàn có thể vào lệnh ở vị trí này vì đây là một trong những mẫu hình price action rất hay trong kiến thức của tôi. Cây nến xanh bên phải nến doji sẽ là nến tín hiệu vào lệnh và ta vào lệnh ở trên, stop loss ở dưới cây nến này.

Giao dịch với chỉ báo có một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, giao dịch với tín hiệu chỉ báo bạn phải luôn dán mắt vào biểu đồ giá để theo dõi và tìm kiếm tín hiệu, điều đó mang đến sự căng thẳng cực kỳ lớn và không ổn định về mặt tâm lý.

Thứ hai là đa phần bạn phải sử dụng lệnh thị trường để vào lệnh trực tiếp mà ít khi sử dụng các lệnh rất hay khác là Limit và Stop, nếu có thì chỉ là mang tính chất “mò” và đặt đại ở một mức giá nào đó.

Thêm nữa là các bạn không thể xác định được điểm đặt dừng lỗ ở đâu cho phù hợp để khi bị hít stop loss thì có khả năng cao là các bạn phân tích sai và từ đó dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định khối lượng giao dịch.

Ví dụ trên cứ cho là tín hiệu của chỉ báo đã chính xác đi vì ít ra sau khi xuất hiện tín hiệu thì giá vẫn thuận theo hướng một khoảng nhất định. Ở ví dụ sau đây các bạn sẽ thấy rằng tín hiệu đưa ra là sai hoàn toàn.

  1. Cây nến cho tín hiệu đường MA8 cắt lên trên đường MA21.
  2. Khi kết thúc cây nến trên nếu chúng ta lập tức vào lệnh thì lệnh sẽ âm ngay lập tức, đến cây nến thứ ba nhen nhóm chút hy vọng cho ta nhưng sau đó gặp kháng cự mạnh và giảm sâu sau đó. Như thế nếu không có stop loss thì chúng ta sẽ chịu âm rất lớn trước khi thị trường quay lại theo ý muốn và đánh khối lượng lớn thì có thể cháy tài khoản ở tình huống này.
  3. Vị trí này là nơi mà ta hoàn toàn có thể vào lệnh với price action ở đúng thời điểm. Đây là mẫu hình giảm dần giảm. Ta vào lệnh với cây nến tín hiệu tăng và stop loss ở vị trí dưới dùng cây nến, như vậy sẽ có một khoảng dừng lỗ phù hợp và tự tin bạn có thể ăn tỷ lệ rất lớn.

Một điều lưu ý quan trọng nữa mà các bạn cũng cần biết đó là trong chính phương pháp giao dịch với price action lại có nhiều phương thức phân tích khác nhau.

Chẳng hạn, có rất nhiều khoá học về price action ở phương Tây như các trang tradingsetupsreview.comlearntotradethemarket.com… thì mỗi nơi các bạn sẽ học được hướng tư duy và cách phân tích hoàn toàn khác nhau.

Nó khác nhau về quá trình phân tích, mẫu hình giao dịch, về cách vẽ trendline, cách vào lệnh… dù tất cả chúng đều là price action. Và chắc chắn rồi, không phải khoá học nào cũng chất lượng đồng thời tương xứng với mức chi phí bạn bỏ ra.

Price action phù hợp cho giao dịch ngắn hạn hay dài hạn?

Tôi đã từng học một số khoá học về price action và thấy rằng đa phần người ta áp dụng price action cho giao dịch ngắn hạn, trong ngày.

Ban đầu tôi cũng sử dụng price action để giao dịch trong ngày và khi đã có những thành quả nhất định thì tôi bắt đầu nâng số vốn và giao dịch ở khung thời gian cao hơn là H4, thậm chí là D1 thì hiệu quả mang lại vẫn rất tốt và không có vấn đề gì.

Chúng ta cũng hoàn toàn có thể kiểm tra dạng biểu đồ cùng các mẫu hình nến trên khung thời gian đó xem có phù hợp hay không, nếu như các mẫu hình và cơ hội vào lệnh theo phương pháp của chúng ta là tương tự nhau trên nhiều khung thời gian thì chắc chắn giao dịch cũng sẽ hiệu quả ở các khung thời gian đó.

Ví dụ

  1. Mẫu hình nến giảm dần và kết thúc trên đỉnh cũng là một pin bar đẹp.
  2. một cơ hội giao dịch với cây nến pin bar khác.
  3. Mẫu hình phá vỡ vùng giằng co thất bại.

  1. Mẫu hình phá vỡ vùng giằng co thất bại nhưng không được chuẩn như lý thuyết.
  2. Mẫu hình nến giảm dần.
  3. Mẫu hình nến pin bar

Qua việc so sánh các mẫu hình nến ở một khung dài hạn và một khung ngắn hạn có thể thấy rằng price action có thể áp dụng hiệu quả cả trên khung thời gian ngắn và khung thời gian dài và từ đó trader ngắn hạn hay dài hạn đều có thể sử dụng được.

Những khoá học price action ở các trang khác nhau cũng sẽ hướng bạn đến phong các giao dịch khác nhau, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó linh hoạt.

Ngoài ra, Price action có thể áp dụng cho mọi thị trường tài chính như cổ phiếu, forex, quyền chọn nhị phân, tiền điện tử, hợp đồng tương lai… và có thể sử dụng với bất kỳ nền tảng giao dịch nào bởi chỉ cần có biểu đồ nến.

Công cụ để giao dịch price action là gì?

Nguyên liệu chế biến lên price action trước hết phải là dữ liệu giá trong quá khứ: đó là các cây nến thể hiện mức giá cao nhất (high), thấp nhất (low), mở cửa (open) và đóng cửa (close).

Từ các dữ liệu này sẽ là cơ sở để chúng ta hình thành lên đường xu hướng (trendline), kênh giá (channel line), các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, điểm giằng co, củng cố giá, vị trí cung cầu tiềm năng, sự phá vỡ thành công, phá vỡ thất bại…Những yếu tố này sẽ tuỳ thuộc vào chiến lược mà nhà giao dịch áp dụng và chúng không theo một motip chung nào cả.

Vì sao nhà đầu tư, giao dịch tài chính nào cũng nên biết price action?…

Chúng ta biết rằng trong giao dịch tài chính có 3 phương pháp phân tích thị trường đó là: Phân tích cơ bản,  phân tích kỹ thuật và phân tích tâm lý.

Như ở trên tôi đã nói price action thuộc phương pháp phân tích kỹ thuật nhưng đôi khi nó lại không hoàn toàn là phân tích kỹ thuật, ở đây nó có thể một phần là phân tích tâm lý nữa. Vì sao như thế?

Bởi vì ngay trong bản chất phân tích hành động giá thì ta đã có những nhận định về sự mua bán đằng sau thị trường rồi, mà sự mua bán được hình thành chính từ tâm lý con người chứ không gì khác. Do đó, khi phân tích bằng price action thì gián tiếp cũng giúp ta hiểu được tâm lý của đám đông nhà giao dịch.

Ngoài ra, price action cho ta một điều vô cùng quan trọng đó là khả năng vào lệnh chính xác, đúng thời điểm giá có thể bứt phá. Đây là điều mà không một chỉ báo hay EA (Expert Advisor-robot giao dịch) nào có thể mang lại cho ta được.

Bởi vì theo hành động giá là chúng ta đi theo bước chân của thị trường, chúng ta chờ những mẫu hình phù hợp và những mẫu hình đó có đặc điểm tâm lý mà khả năng bứt phá về giá là rất lớn, nhờ đó mà ta cũng sẽ có cơ sở đặt chốt lỗ ở vị trí phù hợp để khi giá chạm đến stop loss thì khả năng cao là phân tích của chúng ta sai.

Một ưu điểm của price action nữa đó là nó tạo ra điều kiện và cơ sở cho một nhà giao dịch có thể xây dựng được lối đi cũng như phong cách giao dịch riêng của mình.

Bản chất của price action là cung cấp một số công cụ nhưng phần lớn là dựa vào những đánh giá chủ quan có cơ sở của nhà đầu tư.

Cùng một tình huống nhưng hai trader có thể có hai hướng giao dịch khác nhau và không hẳn là một người đúng, một người sai mà nó có thể cả hai đều phù hợp và mang lại lợi nhuận hoặc cả hai đều sai và giao dịch theo suy nghĩ của họ bị thua lỗ. Chẳng hạn như ví dụ sau:

Ví dụ:

  1. Ngưỡng kháng cự mạnh với rất nhiều đáy phản ứng trước đó.
  2. Ngưỡng kháng cự càng có cơ sở hơn khi mà giá giảm đến vùng này tạo nên một vùng giằng co lên tới 6 cây nến.
  3. Đến đây nhà giao dịch thứ nhất nghĩ: với một ngưỡng kháng cự mạnh cộng thêm vùng giằng co thì nếu như giá vượt qua được vùng này chắc chắn sẽ giảm mạnh nên tiến hành đặt lệnh chờ bán dưới vùng giằng co, stop loss trên vùng giằng co, như vậy xét tình hình diễn biến giá sau đó thì nhà đầu tư này hoàn toàn có thể có lợi nhuận nếu kiên trì giữ lệnh.
  4. Nhà đầu tư thứ hai thì muốn chắc chắn hơn nên nghĩ rằng: Ngưỡng kháng cự này bị phá vỡ thì kiểu gì giá cũng quay về test lại lần nữa cho nên chờ tín hiệu giá phá vỡ thật sau đó tìm cơ hội khi giá quay về test. Như vậy, sau đó có hai cơ hội cho nhà đầu tư này, thứ nhất là phá vỡ vùng giằng co thất bại nhưng lệnh này bị thua lỗ và sau đó đến cơ hội thứ hai với pin bar và đem lại lợi nhuận cao một cách nhanh chóng

Vậy các bạn có thể thấy rằng dù hai cách giao dịch khác nhau nhưng đều có thể đem lại lợi nhuận và trong một số tình huống khác nếu nhà đầu tư thứ nhất gặp tình huống false breakout thì sẽ thua lỗ hay nếu giá sau khi phá vỡ mà không test về ngưỡng kháng cự thì nhà đầu tư thứ hai không có cơ hội vào lệnh…

….Nhưng đa phần trader không biết đến price action là gì và nếu biết thì cũng đã bước chân vào trading một thời gian khá dài

Trước tiên phải nói rằng price action không phải là kiến thức dễ học trong ngày 1, ngày 2 và lại còn đòi hỏi nhiều thời gian luyện tập, nhưng tâm lý con người luôn muốn có một lối tắt, một thứ mà cứ làm theo là có tiền và tiền về đều đặn, hàng ngày.

Đó chính là tâm lý ăn xổi. Và chỉ báo chính là liều thuốc cho căn bệnh này. Chính các khoá học ngoài kia đa phần cũng đánh vào tâm lý này của con người để mở các lớp tôi cho là lừa đảo với học phí vô lý lên đến 1000-2000$, thậm chí họ còn đặt các level để bạn theo học mà chi phí toàn bộ lên đến 5000$, trong khi các khoá học rất chất lượng ở phương Tây cũng chỉ mất cao lắm là 300-400$.

Người mới thường ngộ nhận rằng chỉ báo được tạo ra bởi những người giao dịch giỏi và nhiều kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ giúp cho họ kiếm thật nhiều tiền.

Thực tế lại khác xa những gì người ta nghĩ, bản thân chỉ báo không phải là một nhà tiên tri mà tất cả chỉ dừng lại ở khả năng, theo nghiên cứu thì những tín hiệu mà chỉ báo đưa ra có tỉ lệ chính xác chỉ khoảng 20% và như vậy nó không thể nào giúp bạn kiếm tiền.

Các bạn cũng nên hiểu rằng ngày nay chỉ báo là quá phổ biến và nếu ai cũng giao dịch theo tín hiệu đó thì không thể lấy tiền đâu ra cho lợi nhuận của bạn cả.

Vì lợi nhuận người này là thua lỗ của người khác và nếu đồng loạt những người giao dịch nhỏ lẻ vào lệnh theo tín hiệu chỉ báo thì rất dễ trở thành con mồi của các cá mập có sức mạnh tài chính lớn.

Nói chung, các bạn nên hiểu một điều kiến thức sẽ luôn là tài sản vô giá, price action đòi hỏi bạn nhiều kiến thức và kinh nghiệm và bù lại lợi nhuận bạn kiếm được là lâu dài và bền vững, kiếm tiền không có cái gì là dễ cả.

Một thứ gì đó dễ dàng thì dần dần sẽ có nhiều người đổ xô làm và rồi nó sẽ không còn dễ nữa và người chiến thắng phải là người có kiến thức và kinh nghiệm hơn cả. Hãy bỏ công sức rồi phần thưởng xứng đáng sẽ đến với các bạn.

Phần kết

Mong rằng qua bài viết các bạn đã có những hiểu biết ban đầu về price action là gì? và sử dụng nó trong giao dịch như thế nào?

Rất mong nhận được những trao đổi và phản hồi từ các bạn. Ngoài ra, nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào về kiến thức trong bài viết cũng hãy để lại comment bên dưới. Tôi sẽ giải đáp trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng ! price action là gì

.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *