Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm một công cụ mới nữa rất hữu hiệu trong phân tích và giao dịch tài chính đó là Pivot Point. Vậy Pivot Point là gì? Các tính các điểm Pivot Point và sử dụng nó như thế nào trong giao dịch hãy cùng Thgold tìm hiểu ngay dưới đây.
Pivot Point là gì?
Pivot Point hay còn được gọi theo nghĩa tiếng Việt đó là điểm xoay để thể hiện như đó là những điểm mà thị trường có thể xoay chuyển đảo chiều. Hay có thể hiểu đó chính là những ngường kháng cự và hỗ trợ.
Thông thường chúng ta hay để ý đễn các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mà có nhiều đỉnh hoặc đáy chạm đến, đó là ngưỡng kháng cự hỗ trợ hữu hình còn với điểm Pivot Point thì do những con số tính toán mà hình thành lên.
Có thể nói nó Pivot Point khá giống với công cụ Fibonacci khi nó cũng có những cấp độ giá để người giao dịch dựa vào đó xác định các điểm đảo chiều tiềm năng.
Tuy nhiên với Fibonacci thì chúng ta vẫn còn đó những sự chủ quan trong việc chọn lựa con sóng để xác định các ngưỡng Fibonacci, trong khi với công cụ Pivot Point thì nó là thứ được xác định cụ thể trên biểu đồ mà chúng ta không cần phải xác định và lựa chọn theo cảm tính nữa.
Chính vì nó có quy tắc thống nhất và nhất quán cho nên nhiều người giao dịch khác cũng có điểm Pivot Point tương tự và chú ý đến mức giá đó giống như bạn.
Hướng dẫn cài đặt công cụ Pivot Point
Pivot Point là một công cụ không có sẵn trong phần mềm giao dịch MT4 và MT5 cho nên chúng ta cần phải cài đặt thêm vào. Bạn có thể tải công cụ Pivot Point tại đây (Nếu như thời điểm bạn tải không được thì có thể tìm trên mạng để tải về vì nó khá phổ biến).
Sau khi đã tải về thì chúng ta tiến hành cài đặt như sau:
Đây là ví dụ về cài đặt Pivot Point vào phần mềm MT4 và các bạn sẽ làm tương tự với phần mềm MT5
Đầu tiên các bạn vào menu File —> Open Data Folder —> MQL4 —> Indicators
Trong thư mục Indicators bạn sẽ tiến hành sao chép file chỉ báo Pivot Point như hình dưới đây
Sau khi hoàn tất bước này thì bạn đóng phần mềm MT4 đi rồi mở lên lại, lúc này vào phần Indicators bạn sẽ thấy có xuất hiện chỉ báo Pivot Point trong danh sách như hình dưới
Chúng ta nhấn đúp chuột vào để mở và chèn chỉ báo vào trong biểu đồ giá.
Nếu như trường hợp bạn mở chỉ báo Pivot Point lên mà phần mềm thông báo rằng “DLL Import is not enabled” thì các bạn có thể giải quyết rất đơn giản bằng cách vào menu Tools —> Options —> Expert Advisors rồi sau đó tick chọn vào mục “Allow DLL import…”
Cấu tạo của Pivot Point
Để hiểu rõ hơn về cấu tạo của Pivot Point thì chúng ta xem một hình ảnh thực tế của chỉ báo Pivot Point đã chèn vào biểu đồ giá mà chúng ta vừa mới cài đặt
Các ngưỡng pivot point sẽ được hình thành theo mỗi ngày dựa trên các mức giá của ngày giao dịch hôm trước để ước lượng các ngưỡng Pivot Point của ngày hôm sau.
Trong đó Pivot Point sẽ có các thành phần như sau:
- PP: Đây gọi là đường trục hay đường trung tâm
- Các ngưỡng R1, R2, R3 là viết tắt của Resistance với lần lượt 3 ngưỡng kháng cự từ gần đường trung tâm ra xa.
- Các ngưỡng S1, S2, S3 là viết tắt của từ Support tức là các ngưỡng hỗ trợ và nó cũng sẽ có lần lượt 3 ngưỡng từ gần cho đến xa đường trung tâm.
Thực chất các chỉ báo có thể có thêm các ngưỡng R4, R5 hay S4, S5… nhưng các điểm xoay đó là quá rộng nên ít khi chúng ta thấy trên màn hình biểu đồ giá.
Cách tính các ngưỡng Pivot Point
Điểm xoay Pivot Point được tính dựa trên các mức giá cao nhất, thấp nhất và giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó. Cụ thể:
Công thức tính ngưỡng PP
Pivot point (PP) = (High + Low + Close) / 3
Tức là ngưỡng PP sẽ được tính bằng cách lấy trung bình của ba mức giá là giá cao nhất, giá thấp nhất và giá đóng cửa.
Tính các ngưỡng Resistance
R1 = (2 x PP) – Low
R2 = PP + (High – Low)
R3 = High + 2(PP – Low)
Tính các ngưỡng Support
S1 = (2 x PP) – High
S2 = PP – (High – Low)
S3 = Low – 2(High – PP)
Có thể thấy công thức tính toán các ngưỡng Pivot Point là khá đơn giản chứ không như một số các chỉ báo khác. Tuy nhiên chúng ta cũng chỉ cần biết sơ qua như vậy chứ cũng không bao giờ phải tự mình tính các ngưỡng này cả vì nó đã có sẵn công cụ chỉ báo tự động tính toán cho chúng ta.
Cách giao dịch với ngưỡng Pivot Point
Các ngưỡng Pivot Point như đã nói đơn giản đó là những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng được thiết lập ra dựa vào ngày giao dịch hôm trước, nó là các ngưỡng có tính tham khảo trong một ngày mà thôi và phù hợp cho giao dịch ngắn hạn trong ngày.
Chúng ta cũng đã nhuần nhuyễn về cách giao dịch với kháng cự và hỗ trợ trong rất nhiều bài học trước rồi và sẽ rất dễ hiểu khi áp dụng giao dịch với các ngưỡng Pivot Point
Giao dịch đảo chiều tại các ngưỡng Pivot Point
Chúng ta hãy để ý vùng khoanh tròn đầu tiên ở trên, đây là vị trí mà giá đã phản ứng với ngưỡng kháng cự R2 và sau đó tiếp tục giảm sâu.
Với trường hợp giao dịch đảo chiều tại các ngưỡng Pivot Point thì chúng ta nên chú ý về xu hướng hiện tại, chẳng hạn nếu xu hướng giảm thì chúng ta chờ cơ hội mà giá tăng lên đến ngưỡng kháng cự nào đó và có mô hình nến thích hợp để vào lệnh.
Còn nếu như thị trường đang có xu hướng tăng giá thì chờ giá hồi về ngưỡng hỗ trợ nào đó rồi tìm mẫu hình nến thích hợp để vào lệnh.
Giao dịch phá vỡ ngưỡng Pivot Point
Có nhiều lý thuyết nói rằng đặt lệnh chờ bạn ở các ngưỡng S1, S2, S3 hoặc là đặt lệnh chờ mua ở các ngưỡng R1, R2, R3 vì giá có thể phá vỡ các ngưỡng đó.
Tuy nhiên cách giao dịch đó là không thực tế và rất rủi ro. trong rất nhiều tình huống mà giá đã xuyên qua các ngưỡng Pivot Point rồi vẫn quay đầu và kết quả là hình thanh một cây nến có đuôi nến dài. Nếu chúng ta đặt lệnh một cách chủ quan chờ mua hay bán như thế thì chúng ta khó có thể làm chủ được tình hình.
Cách giao dịch hợp lý nhất đó là chờ cho giá xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự thành công rồi sau đó chờ cú hồi về để tìm điểm vào lệnh phù hợp. Vì như chúng ta đã gặp ở nhiều bài học trước đó là giá khi phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự đa phần sau đó sẽ quay lại test ngưỡng vừa phá vỡ.
Vị trí vòng khoanh tròn thứ 2 ở hình trên là một trường hợp phá vỡ như vậy. Sau khi giá phá vỡ được ngưỡng cản R1 thì không lâu sau nó đã quay về test lại rồi mới giảm sâu, chúng ta có thể chờ đợi các thời điểm như vậy để tìm cơ hội vào lệnh.
Một số lưu ý khi sử dụng Pivot Point
Khi sử dụng chỉ báo Pivot Point để làm công cụ hỗ trợ cho giao dịch thì chúng ta nên lưu ý một số điểm như sau:
- Các ngưỡng Pivot Point đôi khi không cho thấy sự hoạt động rõ ràng và nếu như chỉ dựa vào Pivot Point để làm ngưỡng kháng cự hỗ trợ tham khảo cho các giao dịch thì sẽ rất rủi ro. Do đó chúng ta nên kết hợp với nhiều công cụ chỉ báo khác để tổng hợp và đưa ra nhận định đánh giá chung.
- Pivot Point chỉ phù hợp để giao dịch ngắn hạn trong ngày và nó không có nhiều ý nghĩa cho các ngày giao dịch sau. Cho nên các ngày đã qua thì chúng ta bỏ không sử dụng đến nữa.
- Với những ai giao dịch các khung giờ ngắn như M5 hay M15 sẽ rất phù hợp sử dụng công cụ Pivot Point.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của Thgold về công cụ Pivot Point. Nhìn chung thì đây là một công cụ bổ trợ cho việc xác định các ngưỡng cản tiềm năng trong ngày mà giá có khả năng phản ứng tại đó.
Bên cạnh chỉ báo Pivot Point chuẩn (Standart) thì Pivot Point còn có các biến thể khác nữa chẳng hạn như Woodie pivot point, Camarilla pivot points và Fibonacci pivot point. Tuy nhiên theo mình thì các bạn không cần thiết phải tìm hiểu quá nhiều mà nếu có sử dụng Pivot Point thì nên tập trung vào bản chuẩn đã trình bày trong bài viết này.