Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về một công cụ hết sức cơ bản nhưng lại là thứ quan trọng bậc nhất trong phân tích và giao dịch đó là ngưỡng kháng cự và hỗ trợ hay tiếng anh gọi là Resistance và Support.
Kháng cự và hỗ trợ là gì?
Kháng cự, hỗ trợ là những mức giá mà tại đó chúng ta thấy được khả năng giá sẽ đảo chiều là rất lớn, dựa trên cơ sở những hành động giá đã diễn ra trong quá khứ. Hỗ trợ và kháng cự người ta còn gọi chung đó là các ngưỡng cản.
Hãy quan sát hình ảnh ví dụ ở trên, với một con sóng trong thị trường tăng thì không phải giá luôn đi vèo lên theo một đường mà nó sẽ luôn đi theo đường Zigzag.
Khi giá đi lên sau đó đảo chiều trở lại thì nó sẽ tạo ra một ngưỡng kháng cự tiềm năng vì ở đây đã diễn ra sự thay đổi về cung cầu. Ý nghĩa của ngưỡng kháng cự là điểm chắc chắn người bán mạnh hơn người mua.
Và khi giá giảm được một khoảng thì nó lại đảo chiều tăng trở lại. những nơi đảo chiều đó trở thành những ngưỡng hỗ trợ tiềm năng thể hiện nơi mà người mua mạnh hơn người bán.
Sau đó giá tăng lên vượt qua được ngưỡng hỗ trợ rồi giảm điều chỉnh lần nữa, lần này giá không đảo chiều ngay tại ngưỡng kháng cự của đỉnh trước mà đã vượt qua được. Đó là vì nó đang trong một xu hướng tăng nên các đỉnh sẽ liên tục bị phá vỡ theo nhiều cách khác nhau.
Nếu như đỉnh và đáy liên tục đảo chiều ở những ngưỡng giá giống nhau thì thị trường chắc chắn đang trong vùng sideway hay giằng co.
Vậy nên có hai trường phái giao dịch với Kháng cự và hỗ trợ
Bật ngược trở lại (Đảo chiều)
Hình ví dụ ở trên chỉ là một mô phỏng còn trong thực tế nó sẽ không hoàn toàn như vậy mà các sóng lên xuống rất khó lường. Thông thường những người giao dịch theo trường phái đảo chiều này sẽ tìm kiếm cơ hội bán ở các đỉnh hoặc mua ở các đáy.
Với xu hướng tăng thì chờ bán ở đỉnh là đi ngược xu hướng. Điều này nguy hiểm hơn so với chờ mua ở các đáy vì nó đang thuận xu hướng. Tuy nhiên, nếu chờ bán ở đỉnh đúng vào thời điểm kết thúc xu hướng tăng và bắt đầu xu hướng giảm thì họ lại có khả năng lợi nhuận rất lớn.
Ba đường kẻ ngang ở trên là ngưỡng giá có rất nhiều vị trí xảy ra đảo chiều và đó là những vị trí kháng cự, hỗ trợ mạnh mà không cần bàn cãi.
Tôi luôn khuyến khích các bạn mua theo cùng xu hướng và tìm các cơ hội khi giá về ngưỡng hỗ trợ của xu hướng tăng và kháng cự của xu hướng giảm.
Người ta vẫn thường nói giao dịch ngược xu hướng là “chụp dao rơi” và đương nhiên chụp dao rơi thì rất khó nắm lấy cán, mà khi đã nắm vào lưỡi thì chắc chắn bị thương. Mà khả năng bị thương là rất cao. Trong giao dịch đó là bài toán xác suất nên hãy chọn phần chắc chắn hơn mà đi.
Giao dịch phá vỡ (Thuận chiều)
Đây là cách giao dịch chờ phá vỡ ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ. Ý tưởng của phương pháp này là tại mỗi ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự không có nghĩa rằng giá sẽ phản ứng và đảo chiều mà thậm chí là đi xuyên qua một cách rất dễ dàng.
Vì thế cho nên nhiều người sẽ có phương pháp đặt chờ mua ở trên ngưỡng kháng cự hoặc ở dưới ngưỡng hỗ trợ để vào lệnh.
Tuy nhiên, phương pháp này khá nguy hiểm bởi vì tại mỗi ngưỡng cản thì chúng ta không để biết chắc được ở đâu là thực sự ngưỡng kháng cự và hỗ trợ đã bị phá vỡ. Nhiều khi chưa kết thúc cây nến thì giá đâm qua ngưỡng cản rất xa rồi nhưng khi sắp kết thúc cây nến thì giá lại đột ngột đảo chiều trở lại và tạo nên một nên pin bả rất lớn.
Kết quả là thay vì phá vỡ thì nó lại cho thấy một ngưỡng cản rất mạnh ở mức giá đó.
Cho nên để giao dịch phương pháp này một cách an toàn hơn thì thông thường chúng ta giao dịch với bước hồi về của thị trường sau khi đã phá vỡ thật sự thành công ngưỡng cản.
Ví dụ rõ ràng ở hình trên, chúng ta thấy rằng, giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ rất dễ dàng nhưng sau đó mới quay lại test, khi giao dịch với chiến lược đó sẽ an toàn hơn rất nhiều.
Làm thế nào xác định ngưỡng kháng cự và hỗ trợ đã bị phá vỡ?
Vấn đề này luôn được thảo luận ở nhiều góc độ, khía cạnh và thực ra thì chẳng có một câu trả lời chính xác nào cho vấn đề này mà nó rất linh hoạt và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuy vậy vẫn luôn có những quy chuẩn để chúng ta xác định chứ không phải thế nào cũng được.
Nói thêm đến vấn đề giao dịch theo kiểu phá vỡ ngưỡng kháng cự và hỗ trợ ở trên, hãy theo dõi hình dưới đây:
Đã có những cây nến nằm hoàn toàn trên ngưỡng kháng cự của đỉnh trước rồi, chúng ta cứ nghĩ rằng ngưỡng cản này đã bị phá vỡ, nhưng không, nó lại đảo chiều sau đó và cho thấy sự thật là ngưỡng đó vẫn chưa thật sự bị phá vỡ.
Thực ra, Chúng ta nên nhớ điều này “Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ là một vùng giá chứ không chỉ là một đường kẻ ngang, một mức giá xác định nào đó”. Khi xác định như vậy thì chúng ta sẽ không bị đánh lạc hướng bởi những tình huống kiểu như trên.
Các hình trên tôi chỉ thể hiện các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự bằng đường kẻ ngang nhưng đó chỉ là hình thức đánh dấu các ngưỡng, còn trong tâm trí các bạn phải luôn ý thức được đó là vùng kháng cự hay hỗ trợ như sau:
Có nhiều người nói rằng ngưỡng cản bị phá vỡ khi có cây nến có giá đóng cửa trên ngưỡng kháng cự hoặc dưới ngưỡng hỗ trợ. Điều đó tôi hoàn toàn không đồng tình và với họ ngưỡng kháng cự và hỗ trợ đang được quan niệm là một đường kẻ ngang mà thôi. Để biết độ chính xác của nó thế nào thì các bạn cứ quan sát biểu đồ giá là biết được.
Có một mẹo mà tôi thường dùng đó là xem vùng kháng cự và hỗ trợ trên biểu đồ đường (line chart). Đây có lẽ là tác dụng duy nhất ở biểu đồ đường được tôi sử dụng.
Tại sao như vậy? Vì biểu đồ đường là thể hiện các mức giá đóng cửa nối lại với nhau, và giá đóng cửa sẽ cho chúng ta nhiều ý nghĩa về kháng cự và hỗ trợ hơn là các biểu đồ khác vị nó có thể hiện các giá cao và thấp đôi khi làm bạn bị rối.
Thêm nữa trong thị trường tài chính và phân tích kỹ thuật này chúng ta phải chấp nhận một điều đó là tất cả chỉ tương đối và đừng bao giờ mong có thể tuyệt đối hay chuẩn hoá mọi thứ. Ví dụ như ở bài trước tôi có lấy vị trí về phân tích kỹ thuật và có một mô hình vai đầu vai
Mô hình vai đầu vai được khoanh trong ô vuông đứt đoạn. Ở trên chúng ta chưa thấy rõ được nhưng nhiều trường hợp mà đỉnh đầu phá vỡ vai đầu tiên và đi xa một khúc rồi sau đó quay lại phá vỡ tiếp đỉnh vai đầu một lần nữa một cách dễ dàng. Dẫn đến chúng ta lại thấy có vẻ như kháng cự hay hỗ trợ ở đây hoạt động không hiệu quả.
Nhưng lại không hẳn vậy bởi các sóng khác lại đảo chiều khá hiệu quả ở đỉnh của hai vai (đường kẻ ngang trên cùng) và cả các ngưỡng ở chân (đường kẻ ngang thứ 2 từ trên xuống).
Những lưu ý về Kháng cự và hỗ trợ
Khi kháng cự bị phá vỡ thì nó sẽ chuyển thành ngưỡng hỗ trợ tiềm năng và ngược lại.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một ngưỡng kháng cự chẳng hạn, đã bị phá vỡ thì nó không còn tin cậy nữa nhưng thực tế các bạn sẽ thấy nhiều ngưỡng kháng cự bị phá vỡ rồi sau đó lại trở thành ngưỡng hỗ trợ rất mạnh với nhiều lần giá quay về và đảo chiều tại đó.
Khi ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự bị phá vỡ thì xu hướng sau đó thế nào phụ thuộc vào sự phá vỡ của ngưỡng cản mạnh hay yếu, ngoài ra còn phụ thuộc một số yếu tố khác.
Trên đây là kiến thức cơ bản về kháng cự và hỗ trợ. Các bạn hãy đọc thêm bài chuyên sâu về kháng cự, hỗ trợ trong bài viết Bản chất hỗ trợ và kháng cự (support and resistance) Sẽ có thêm nhiều kiến thức bạn cần nắm.