Giao dịch phá vỡ hay còn gọi là Breakout là một cách giao dịch rất thường gặp và có thể coi nó cũng là một phần không thể thiếu trong giao dịch. Vậy thì trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về Breakout là gì và cách giao dịch với phá vỡ Breakout sao cho hiệu quả.
Breakout là gì?
Breakout có nghĩa là phá vỡ và cụ thể ở đây là phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.
Mà ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự thì nó có thể được tạo thành từ rất nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như là đường trendline, kênh giá (Channel line), các mô hình tam giác, mô hình vai đầu vai, đường trung bình Moving Average, các ngưỡng Fibonacci, ngưỡng Pivot Point….
Ý tưởng giao dịch phá vỡ đó là giống như chúng ta phá một cánh cửa vậy, khi mà phá vỡ thành công thì nó sẽ theo một đà quán tính tiếp tục lao đến và chúng ta tận dụng sự quán tính của giá để giao dịch cho đến khi sự biến động (volatility) của giá giảm đi.
Volatility là một tín hiệu có thể sử dụng tham khảo và áp dụng vào việc chúng ta giao dịch phá vỡ Breakout.
Phân biệt Volatility và Volume
Một điều chúng ta cũng cần lưu ý ở đây về sự biến động thị trường Volatility và khối lượng giao dịch Volume đôi khi còn nhiều người hay nhầm lẫn.
Với thị trường chứng khoán hay hợp đồng tương lai thì bạn có thể biết được khối lượng giao dịch là bao nhiêu nhưng thị trường Forex thì bạn không thể biết được.
Volatility thể hiện độ biến động của giá tức là khoảng giá mà thị trường tăng giảm ở một thời gian nhất định trong khi khối lượng giao dịch Volume lại thể hiện khối lượng tiền tệ được giao dịch mua bán trong khung thời gian đó.
Vì thị trường Forex là một thi trường phi tập trung và vô cùng rộng lớn cho nên không thể đo đếm cụ thể về khối lượng giao dịch như là thị trường chứng khoán tập trung được.
Đôi khi khối lượng giao dịch liên quan đến mức độ biến động của giá nhưng đôi khi thì không. Chẳng hạn như trường hợp bên mua hoặc bên bán chiếm ưu thế lớn thì giá sẽ biến động mạnh về một hướng và di chuyển tương đối nhanh mà không có sự kháng cự.
Ngược lại cũng có thể giá biến động rất ít nhưng lại có khối lượng giao dịch rất lớn khi mà bên bán và bên mua có tương quan tương đối cân bằng.
Ta tưởng tượng như trò kéo co vậy, nếu như một bên mạnh vượt trội thì nhanh chóng kéo thắng đội yếu nhưng nếu là 2 đội mạnh vượt trội thì có khi nó giằng co đứng im một chỗ mà không thể di chuyển về bên nào.
Ngoài ra các bạn cũng lưu ý công cụ chỉ báo Volume trên phần mềm giao dịch MT4 hay MT5 không phải là phản ánh khối lượng giao dịch của thị trường Forex thực tế.
Các dạng phá vỡ trong thị trường
Nhìn chung thì chúng ta sẽ có hai dạng phá vỡ đó là:
- Phá vỡ thật
- Phá vỡ giả
Trong mỗi dạng phá vỡ sẽ lại có những cách phân chia khác nữa và cụ thể chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng dạng sau đây:
Phá vỡ thật
Với phá vỡ thật thì sẽ được phân chia một dạng là phá vỡ không hồi và phá vỡ hồi.
Phá vỡ không hồi
Phá vỡ không hồi là giá phá vỡ một ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mà sau đó không có cú hồi về test lại các ngưỡng vừa phá vỡ.
Tuy nhiên hồi ở đây là chúng ta nói đến hồi chỉ sau vài cây nến phá vỡ còn thông thường thì các điểm phá vỡ có thể rất lâu sau đó giá mới có thể hồi về test các ngưỡng phá vỡ và kết quả là hình thành nhiều đỉnh và đáy ở vị trí ngưỡng đó.
Ở ví dụ trên chúng ta thấy rằng giá đã giảm và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh với rất nhiều đáy đảo chiều tại ngưỡng này trước đó.
Giá đi với một lực mạnh mà không hề có sóng nào hồi về test lại ngưỡng này cả.
Phá vỡ có hồi
Phá vỡ có hồi là sau khi mà các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự bị phá vỡ thì chỉ một thời gian ngắn sau (một vài cây nến) là giá lập tức quay lại test ngưỡng vừa bị phá vỡ. Cụ thể như ví dụ sau:
Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên có sự phá vỡ mạnh mẽ bởi các cây nến giảm rất lớn, nhưng ngay sao đó đã có dấu hiệu chững lại và hình lên cây nến pin bar với đuôi nến dưới cực kỳ dài. Sau đó giá đã hồi về để test lại ngưỡng hỗ trợ vừa bị phá vỡ mà khi này đã biến thành ngưỡng kháng cự.
Xuống đến ngưỡng hỗ trợ tiếp theo thì giá cũng tiếp tục một lần phá vỡ và quay lại test ngưỡng giá này. Thậm chí sau đó ngưỡng này thể hiện là một ngưỡng kháng cự hỗ trợ mạnh khi có thêm hai đỉnh đảo chiều tại mức giá này.
Phá vỡ giả
Thông thường thì các lý thuyết ở những trang khác sẽ chia sẻ về một dạng phá vỡ giả thôi nhưng Thgold xin mở rộng ra đó là phá vỡ giả sẽ phân thành phá vỡ đảo chiều và phá vỡ giả.
Phá vỡ đảo chiều
Đó là sự phá vỡ mà sau cú phá vỡ thì giá lại đảo chiều xu hướng. Cụ thể như sau:
Phá vỡ đảo chiều có nghĩa là sau khi phá vỡ thành công ngưỡng hỗ trợ và kháng cự rồi và giá đã hình thành được vài cây nến vượt qua được các ngưỡng cản nhưng sau đó giá lại đảo chiều xu hướng và hình thành một xu hướng mới.
Như ví dụ trên là trước đó giá đang trong một xu hướng giảm sau đó là đi ngang trong một kênh giá rất đẹp. Giá sau đó phá vỡ được ngưỡng hỗ trợ với một số cây nến nằm hoàn toàn ở dưới, nhưng sau đó sự phá vỡ có vẻ như không có nhiều ý nghĩa khi mà chính điểm phá vỡ lại là sự khởi đầu cho một xu hướng tăng giá sau đó.
Khi giá tăng đến ngưỡng kháng cự của cạnh trên trong kênh giá thì nó phá vỡ một cách rất dễ dàng mà không có sự do dự và giằng co nào cả. Giá sau đó cũng không hồi về test lại ngưỡng giá này.
Phá vỡ giả (False Breakout)
Đây là sự phá vỡ giả đích thực và nó có điểm khác biệt chính so với phá vỡ đảo chiều đó là nso không hình thành một xu hướng nào sau đó cả. Đơn giản là lần này nó có thể phá vỡ không thành công với một tín hiệu phá vỡ thất bại nhưng có thể sau đó nó tiếp tục phá vỡ và khi đó lại là lần phá vỡ thành công.
Sau đây là ví dụ cụ thể:
Trường hợp trên tương như giá đã có thể phá vỡ được ngưỡng kháng cự khi mà một nến có khoảng nhảy Gap lên trên và kết thúc là một cây nến tăng, tuy nhiên nó cũng có một đuôi nến trên dài là tín hiệu có thể có sự phá vỡ giả, quả nhiên sau đó là một cây nến giảm và giá quay đầu.
Nhưng sự quay đầu giảm ở đây chỉ là tạm thời và nó giống như một sóng điều chỉnh trong xu hướng tăng vì sau đó giá đã phá vỡ ngưỡng kháng cự thành công dù khi vượt qua đây giá đã có sự giằng co mạnh mẽ.
Xác định sự phá vỡ mang tính chất tương đối
Các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự chúng ta đã hiểu rằng nó là một vùng giá thì đúng hơn là một mức giá chính xác nào đó. Chính vì vậy mà sự phá vỡ thành công hay chưa đôi khi mang tính chất tương đối.
Ở đây chúng ta không nói đến những ví dụ như trên nó đã quá rõ ràng về sự phá vỡ thành công hay là thất bại. Mà muốn nói khi chúng ta đang giao dịch với một thị trường mà chưa biết giá trong tương lại như thế nào.
Về quy chuẩn xác định phá vỡ diễn ra hay chưa thì có thể có những tiêu chí mà mỗi người đặt ta khác nhau, đó là:
- Phá vỡ được xác nhận diễn ra khi giá đóng cửa trên ngưỡng kháng cự hoặc dưới ngưỡng hỗ trợ.
- Phá vỡ được xác nhận diễn ra khi mà có một cây nến hoàn toàn nằm trên ngưỡng kháng cự hoặc hoàn toàn nằm dưới ngưỡng hỗ trợ.
Sẽ không có cái nào đúng cái nào sai và như chúng ta đã nói là nó mang tính tương đối. Từ quy tắc xác định sự phá vỡ được xác nhận diễn ra đó thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta xác định khi nào phá vỡ thành công và vào lệnh cũng như là tiềm năng lợi nhuận có thể có được.
Chẳng hạn như nếu bạn coi sự phá vỡ được xác nhận diễn ra khi giá đóng cửa nằm trên ngưỡng kháng cự hoặc dưới ngưỡng hỗ trợ thì bạn có thể đặt lệnh ngay với cây nến đó nếu như chúng ta theo cách giao dịch phá vỡ ngay.
Còn nếu như theo cách mà phải có một cây nến nằm hoàn toàn trên ngưỡng kháng cự hoặc dưới ngưỡng hỗ trợ thì chúng ta sẽ chờ đến các cây nến tiếp theo để xác nhận tín hiệu vào lệnh.
Cách giao dịch với phá vỡ Breakout hiệu quả
Tại một nơi mà xảy ra sự phá vỡ ngưỡng kháng cự và hỗ trợ thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nó có thể là phá vỡ và không hồi về, nó có thể là phá vỡ hồi về, phá vỡ đảo chiều hay phá vỡ giả.
Thật tiếc là ở đây không ai có thể đoán trước được hay là có những tín hiệu cụ thể và chính xác xem tình huống nào sẽ xảy ra. Đồng nghĩa rằng chúng ta cũng không thể nào chủ động chọn cách giao dịch nào là chuẩn nhất, chẳng hạn như:
- Nếu giao dịch với phá vỡ không hồi thì khi có cây nến giá đóng cửa trên ngưỡng kháng cự thì đặt lệnh mua và dưới ngưỡng hỗ trợ thì đặt lệnh bán ngay khi kết thúc cây nến hoặc là chờ trên giá cao nhất hoặc thấp nhất của cây nến đó.
- Nếu phá vỡ có hồi về thì sẽ chờ giá hồi về đến ngưỡng hỗ trợ kháng cự rồi xuất hiện mô hình nến phù hợp để vào lệnh.
- Nếu như giá phá vỡ đảo chiều thì sau khi phá vỡ thành công ta chờ xuất hiện mô hình nến đẹp để vào lệnh, chẳng hạn phá vỡ ngưỡng kháng cự thì chờ mô hình giá để bán xuống và với ngưỡng hỗ trợ thì chờ đợi mô hình đảo chiều là tăng để vào lệnh mua.
- Nếu như xảy ra phá vỡ giả thì chúng ta không nên giao dịch.
Vâng ở trên chính là lý thuyết cực kỳ lý tưởng cho từng trường hợp phá vỡ, nhưng đời không như là mơ và lý thuyết thì luôn khác xa thực tế, như đã nói thì thực tế chúng ta khó có thể biết nó xảy ra tình huống nào.
Vì vậy để có thể giao dịch được thì chúng ta chỉ có thể kiên định một lực chọn nào đó mà thôi, và lựa chọn đó phải đem lại xác xuất chiến thắng cao nhất, nếu nó có lỡ xảy ra các trường hợp khác thì chúng ta chấp nhận thua lệnh.
Vật thì các giao dịch nào ở trên là các bạn nghĩ nó an toàn và hiệu quả nhất. Theo Thgold đó là cách giao dịch với sự phá vỡ có hồi về.
Giao dịch theo cách này chúng ta có thể chờ đợi các tín hiệu mang tính rõ ràng hơn, khi đó vào lệnh chúng ta cũng có thể quản lý lệnh hiệu quả và có điểm vào lệnh cũng như dừng lỗ tốt hơn.
Trong khi nếu bạn giao dịch với các kiểu phá vỡ khác thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chẳng hạn như giao dịch với phá vỡ trực tiếp thì chúng ta thường không có mô hình nến vào lệnh đẹp đồng thời cũng không thể chắc chắn được sau đó giá đi mạnh hay là lại quay đầu chuyển thành phá vỡ giả hoặc thậm chí là đảo chiều.
Trong khi đó các bạn có thể quan sát lịch sử biểu đồ giá của hầu hết các công cụ tài chính đều diễn ra rất nhiều các trường hợp mà sau khi phá vỡ thì giá quay về test lại các ngưỡng mới bị phá vỡ xong, cho nên giao dịch với kiểu phá vỡ này luôn có tính an toàn cao hơn và khả năng chiến thắng cũng tỷ lệ thuận.
Sau đây là một ví dụ cụ thể vào giao dịch với phá vỡ có sóng hồi:
Ví dụ trên là một trường hợp phá vỡ ngưỡng hỗ trợ rồi sau đó quay về test lại ngưỡng này với vai trò là ngưỡng kháng cự và xuất hiện mô hình nến Evening Star rất đẹp mắt. Chúng ta có thể vào lệnh ngay với cây nến tín hiểu giảm mạnh sau khi cây nến này đóng cửa mà không cần do dự.
Thế nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong nhiều trường hợp mà các ngưỡng hỗ trợ kháng cự có vẻ rất đẹp mắt nhưng giá lại không đi như chúng ta mong muốn, điều đó chúng ta phải chấp nhận vì trong thị trường tài chính không gì có thể chắc chắn 100% cả.
Ở trên gíá phá vỡ thành công xuống ngưỡng hỗ trợ màu đen và ngay sau đó vài cây nến cũng bắt đầu có tín hiệu hồi về. Trước đó cũng có một đường trendline rất đẹp.
Khi mà giá hồi về đến ngưỡng hỗ trợ trước đó và cả đến vùng đường trendline nữa, cũng ta thấy rõ giá đã phản ứng ở khu vực này với rất nhiều cây nến có đuôi nến trên dài.
Kết quả sau đó giá cũng giảm nhẹ nhưng thực chất nó lại chỉ là một sóng điều chỉnh giảm của một xu hướng tăng đã được hình thành, mọi thứ sụp đổ trước mắt và không đẹp như những gì chúng ta mộng mơ.
Do đó trong thị trường này đôi khi bạn chỉ giao dịch với một ít yếu tố mà có thể bạn thấy nó không mạnh mẽ lắm chẳng hạn như ví dụ chỉ có yếu tố test về ngưỡng hỗ trợ trước đó ở ví dụ giao dịch thành công trên mà ta lại có lợi nhuận.
Trong khi những tình huống khác dù ta thấy được rất nhiều yếu tố mạnh mẽ hỗ trợ cho điểm vào lệnh nhưng kết quả lại không như mong đợi.
Lời kết
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong chi tiết về sự phá vỡ hay Breakout là gì? Các loại phá vỡ và cách giao dịch với sự phá vỡ cụ thể trong những tình huống khác nhau.
Lựa chọn giao dịch phá vỡ tốt nhất vẫn là chờ một con sóng hồi về để có tín hiệu vào lệnh, đấy là một sự đảm bảo tuyệt vời nhất vừa nâng cao tỷ lệ lợi nhuận vừa có thể có mức quản lý vốn phù hợp, hạn chế được rủi ro mang lại.