,

Bản kế hoạch giao dịch là gì? Tại sao nó quan trọng

Như vậy là chúng ta đã qua một hành trình dài để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Forex và có thể bắt đầu giao dịch. Nhưng khoan đã, có thể bạn đã cầm trong tay vũ khí, biết cách sử dụng nhưng trong thực tế thì khi nào sử dụng và làm sao cho nó hiệu quả thì đó còn là một câu chuyện phía sau nữa. Với các trader thì đó là bản kế hoạch giao dịch để chúng ta có thể giao dịch một cách hiệu quả.

Bản kế hoạch giao dịch là gì?

Kế hoạch giao dịch là một danh sách những công việc cần làm theo một quy trình nhất quán cho mọi trường hợp mà dựa vào đó bạn phải tuân theo nhằm kỷ luật giao dịch của bản thân và tăng cao khả năng giành chiến thắng.

Đôi khi bạn hay nhiều người khác cùng dùng một chỉ báo là Bollinger Band chẳng hạn nhưng chắc chắn là không ai giao dịch giống ai cả và dù có chỉ báo hiện ra trước mặt mọi người đều giống nhau nhưng chắc chắn không ai vào lệnh giống nhau hoàn toàn dù cho chỉ báo cùng thông số và tín hiệu như nhau.

Đó là bởi vì mồi người sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau về thị trường và cả kinh nghiệm cũng như là cách nhìn và phân tích nến trong từng trường hợp.

Sẽ không có ai là đúng hay sai cả mà kết quả giao dịch sẽ là câu trả lời cho bạn.

Một điều quan trọng nữa mà bạn phải nhớ đó là kế hoạch giao dịch của một người nào đó đang giao dịch thành công mà họ có chia sẻ tường tận không giấu diếm bạn một chút nào đi chăng nữa thì điều đó cũng không chắc chắn bạn sẽ giao dịch thành công như họ.

Bởi vì như đã nói thì trong thị trường tài chính có muôn vàn hoàn cảnh và khả năng xảy ra, cung như có vô số cách nhìn nhận về thị trường mà mỗi người một khác, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm riêng của mỗi người.

Ngoài ra thì kế hoạch giao dịch cũng không có đúng hay sai mà chỉ là phù hợp hay không phù hợp. Đặc biệt là kế hoạch giao dịch luôn được cập nhật một cách thường xuyên thông qua quá trình thực tế của bạn.

Chẳng hạn đầu tiên kế hoạch giao dịch của bạn là A-B-C-D nhưng quá trình giao dịch bạn lại thấy vấn đề C chưa ổn và cần có sự thay dổi thì bạn sẽ thay thế vào đó là E chẳng hạn và bây giờ kế hoạch giao dịch được cập nhật thành A-B-E-D.

Và sẽ còn nhiều lần cập nhật, thêm bớt để dần dần hoàn thiện nhất cho bạn. Điều đặc biệt đó là nó sẽ chỉ có hiệu quả với bạn, chỉ bạn hiểu nhất về quá trình bạn thiết lập và điều chỉnh chúng như thế nào cũng như áp dụng ra sao với từng hoàn cảnh thị trường.

Khi đó nó thành kho báu của riêng bạn mà không ai có thể đánh cắp được dù bạn có giơ ra trước  mặt của họ đi chăng nữa.

Người khác không thể áp dụng được thành công bởi đơn giản họ không trải qua quá trình thiết lập lên kế hoạch giao dịch đó và chắc chắn là không biết áp dụng sao cho hiệu quả vì nó có vô vàn các trường hợp mà đôi khi cố nhớ ra cũng không được mà chỉ khi gặp nó trong thực tế thì chúng ta mới tự biết cách xử lý và ứng phó ra sao.

Kế hoạch giao dịch ép bạn vào khuôn khổ của sự kỷ luật

Nếu bạn giao dịch thiếu sự kỷ luật mà hầu hết đều mắc phải đó là kiểu cứ nhìn vào màn hình và phân tích giao dịch theo một cách rất cảm tính.

Dù chúng ta đã có rất nhiều kiến thức trong đầu rồi nhưng chúng ta vẫn áp dụng nó một cách rất loạn xạ, có thể lúc này tự nhiên chúng ta nhìn vào biểu đò và phát hiện ra tình huống đó, mẫu hình giao dịch đó, nhưng lần khác thì dù nó đã hình thành nhưng ta lại không nhìn ra.

Đơn giản là bởi vì chúng ta không có một kế hoạch, một checklist công việc cụ thể để thực hiện và chúng ta sẽ bỏ sót rất nhiều công đoạn mà nhẽ ra chúng ta cần phải thực hiện.

Thường thì một bản kế hoạch giao dịch sẽ là những công việc phải thực hiện để nhằm trả lời các câu hỏi kiểu 5W-1H, đó là kiểu như nó là gì? Mẫu hình gì? xu hướng gì?… Nó xuất hiện ở vị trí như thế nào? Bên nào đang giành lợi thế? Mua hay bán? Thời điểm nào của thị trường? Có tin tức không? Khả năng di chuyển về hướng nào? Khoảng dừng lỗ là bao nhiêu? Tiềm năng lợi nhuận thế nào?….

Còn rất nhiều những câu hỏi mà bạn có thể đặt ra nếu thấy cần thiết. Bạn có thể đặt ra các câu hỏi của riêng mình mà cần được đáp úng để trả lời cho câu hỏi cuối cùng là vào lệnh hay không?

Sau khi vào lệnh rồi thì bạn còn phải có kế hoạch quản lý lệnh vì không phải cứ vào lệnh rồi là xong mà bạn phải có kế hoạch quản lý về dừng lỗ, chốt lời hay thậm chí là đóng lệnh khi gặp một hoàn cảnh thị trường nào đó xảy ra dù cho có thể lệnh bạn đặt chưa được khớp (Các lệnh Stop hoặc là Limit).

Chúng ta vẫn hay nghe một câu nói quen thuộc đó là: “Nếu không lập kế hoạch cho một việc nào đó thì cũng có nghĩa là bạn đã có kế hoạch cho sự thất bại”.

Kế hoạch giao dịch tại sao lại quan trọng?

Có một yếu tố chi phối chúng ta gần như toàn bộ thời gian trong cuộc đời này đó là CẢM XÚC.

Và con người chúng ta sống theo cảm xúc rất nhiều, đôi khi tự nhiên thấy vui, có những lúc lại thấy buồn rười rượi không hiểu lý do vì sao.

Và nếu trong tài chính mà bạn để cho bản thân giao dịch một cách thất thường, nắng mưa bất chợt như vậy thì chắc chắn là không thể nào có thể thắng được sự biến động khó lường của thị trường.

Bạn sẽ không thể bước vào bàn giao dịch khi mới bị thất tình, mới quát mắng, bực bội với con cái vì mới làm bể cái màn hình tivi, vô vàn những thứ cảm xúc có thể là tiêu cực hoặc tích cực luôn đến với bạn hàng ngày.

Mà chúng ta thì rõ ràng không thể cứ phải chờ đến khi vui vẻ thoải mái thì mới giao dịch được, nếu như ngày nào bạn cũng có chuyện mệt mỏi muộn phiền thì hoá ra là bạn nghỉ giao dịch luôn.

Do đó một bản kế hoạch giao dịch là liều thuốc để đánh bay đi những cảm xúc đang có của bạn để kéo bạn về một cái khuôn khổ nhất quán, lúc đó bạn sẽ không còn sợ việc bị cảm xúc chi phối quá nhiều nữa.

Sự khác nhau giữa kế hoạch giao dịch và hệ thống giao dịch

Nhiều bạn rất hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm đó là kế hoạch giao dịch và hệ thống giao dịch.

Hệ thống giao dịch đó là những công cụ, những chỉ báo hay là những mô hình nến, mô hình giá để bạn vào lệnh hoặc là thoát lệnh.

Và hệ thống giao dịch nó là một phần của kế hoạch giao dịch. Kế hoạch giao dịch sẽ là một khái niệm rộng hơn và bao quát cả hệ thống giao dịch bên trong nó.

Kế hoạch giao dịch nó sẽ gồm rất nhiều vấn đề cần phải thực hiện và tuân thủ theo, đó là các bước về phân tích như thế nào dựa trên hệ thống giao dịch bạn đang sử dụng, những vấn đề cần chú ý, quản lý rủi ro (Vào lệnh bao nhiều % vốn? tối đa bao nhiêu lệnh? khoảng dừng lỗ thế nào?…), quản lý lệnh khi đã đặt lệnh hoặc là khi đã khớp lệnh…..

Như vậy thì hệ thống giao dịch đơn giản cho ta các tín hiệu vào lệnh hay là những cơ sở để dựa vào đó ta đánh giá. Còn kế hoạch giao dịch nó bao quát không chỉ là việc chúng ta đánh giá các tín hiệu mà hệ thống giao dịch cho là như thế nào, hoàn cảnh thị trường thế nào mà còn là các vấn đề khác bao quát toàn bộ việc giao dịch của chúng ta.

Lời kết

Trên đây là sơ lược về kế hoạch giao dịch là gì? Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch giao dịch cũng như là nó khác với hệ thống giao dịch như thế nào.

Việc lập kế hoạch giao dịch cụ thể như thế nào, gồm có những gì chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong các bài viết tiếp theo trong chuối các bài viết về lập kế hoạch giao dịch sao cho hiệu quả và nâng cao tỷ lệ thắng của lệnh giao dịch.

.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *