Từng bước xác định xu hướng thị trường và Định hình tư duy đúng đắn

Trong các bài học trước thì chúng ta đã được học những công cụ phục vụ cho việc phân tích xu hướng. Trong bài viết này Thgold sẽ hướng dẫn các bạn cách định hình tư duy và từng bước xác định xu hướng thị trường một cách chi tiết.

Khái quát lại vấn đề xác định xu hướng giao dịch

Xác định các điểm chốt thị trường và vẽ trendline là một kỹ thuật không quá phức tạp. Tuy nhiên, để dự báo được xu hướng của thị trường là một công việc không dễ dàng vì nó cần có sự nhìn nhận và đánh giá theo kiến thức và kinh nghiệm của bản thân

Khi đi đến việc dự báo xu hướng thị trường chúng ta không có một quy tắc nào cả. Nó chỉ dừng lại ở những định hướng và những công thức tương đối.

Một người giao dịch này có thể cho rằng lực mua yếu thì người khác nhận thấy có một lực bán. Không có gì là chắc chắn và mọi thứ đều phải được quyết định dựa vào bản thân bạn.

Thị trường không lúc nào giống lúc nào, cùng một hoàn cảnh thị trường đó nhưng người này nghĩ rằng sẽ bán còn người khác lại cho rằng nên mua.

Chúng ta hãy bắt đầu. Trước tiên hãy nhắc lại kiến thức liên quan đến trendline để dự báo xu hướng thị trường.

  • Trendline dốc lên có nghĩa là xu hướng tăng.
  • Trendline dốc xuống có nghĩa là xu hướng giảm.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi trendline bị phá vỡ?

Giá trị lớn nhất của việc trendline bị phá vỡ mang lại không phải là sự xác nhận xu hướng thị trường đã đảo chiều.

Giá trị nó mang lại cho chúng ta chỉ là sự cảnh báo hãy chú ý vào thị trường. Nó đánh dấu điểm nóng mà chúng ta nên dựa vào để phân tích. Nó chỉ là một yếu tố làm tăng khả năng đảo chiều của thị trường.

Hơn nữa, việc phân tích và đánh giá sự test lại trendline bị phá vỡ cũng thể hiện rằng xu hướng thị trường đã thay đổi. Dựa vào đó chúng ta có thể có những cú giao dịch chắc chắn, khả năng thắng cao hơn.

Sau đây là một ví dụ về các bước phân tích, dự báo xu hướng thị trường dựa vào trendline:

  1. Bạn vẽ một trendline dốc lên trong một thị trường tăng.
  2. Trendline bị phá vỡ và chúng ta hãy theo dõi hành động giá.
  3. Chúng ta quyết định thay đổi và xem xét thị trường trong xu hướng giảm.
  4. Nếu như xu hướng giảm hình thành thì điểm chốt đỉnh vững bền sẽ xuất hiện, khi đó ta tiến hành vẽ trendline với độ dốc đi xuống.
  5. Khi trendline giảm bị phá vỡ, chúng ta tiếp tục quay lại xem xét thị trường trong xu hướng tăng, nếu hình thành điểm chốt đáy vững bền thì chúng ta tiến hành vẽ đường trendline tăng.
  6. Khi thị trường chính thức đảo chiều chúng ta quay lại bước ban đầu.

Trên đây là một chu kỳ phân tích với đường trendline mà các bạn nên nhớ khi giao dịch, các bước này Thgold cũng đã trình bày rất cụ thể ở những ví dụ trong các bài viết trước.

Định hình tư duy về phân tích xu hướng thị trường

Thị trường có 3 xu hướng chính đó là tăng, giảm và cân bằng hay còn gọi là sideway. Thị trường tăng giá sẽ có xu hướng sóng tăng mạnh hơn sóng giảm. Thị trường giảm thì giá có xu hướng sóng giảm mạnh hơn sóng tăng.

Còn thị trường cân bằng thì giá giằng co, bên mua và bên bán cân bằng nhau. Phần lớn những người theo dõi thị trường cố gắng làm sáng tỏ đồ thị giá thuộc trường hợp nào trong 3 trường hợp nêu trên.

Về lý thuyết chúng ta sẽ giao dịch như sau:

  1. Mua trong thị trường có xu hướng tăng.
  2. Bán khi thị trường có xu hướng giảm.
  3. Mua khi giá gần cạnh dưới vùng giằng co và bán khi giá gần cạnh trên của vùng giằng co.

Những lý thuyết đó nghe có vẻ rất dễ dàng và hợp lý. Xác định xu hướng rồi giao dịch theo như hướng dẫn trên. Tuy nhiên, trong thực tế không hề dễ dàng như thế và lý thuyết trên có vấn đề.

Trong thị trường tăng vẫn luôn có những cú hồi và thậm chí là hồi sâu, vì thế dù bạn đã mua trong thị trường tăng nhưng lệnh của bạn vẫn âm nặng và nếu bạn bị tâm lý rồi cứ thế nhồi lệnh thì tài khoản của bạn có thể bốc hơi là chuyện thường, chưa kể đến việc bạn mua ngay ở đỉnh của một xu hướng tăng thì đó càng là một thảm họa.

Ngược lại với thị trường giảm cũng thế.

Còn trong xu hướng cân bằng hay giằng co (tiếng Anh gọi là trading range hay sideway) nó không hiện ra cho bạn cạnh trên và cạnh dưới để có thể trade dễ dàng như lý thuyết trên.

Tất cả chỉ là tương đối. Thậm chí nếu bạn đã thấy được vùng trading range rồi thì khả năng nó sẽ bị phá vỡ là rất cao. Do đó, bạn bán ở cạnh trên của vùng trading range nhưng đúng thời điểm cạnh đó bị phá vỡ và giá cứ thế tăng vùn vụt rồi tài khoản của bạn không cánh mà bay.

Chưa kể có những trường hợp phá vỡ giả. Khi giá phá vỡ vùng trading range nhưng khi gần kết thúc cây nến hoặc đến một vài cây nến tiếp theo giá lại quay về vùng trading range và nếu chúng ta cho rằng vùng giằng co đã bị phá vỡ (mua ở cạnh trên và bán ở cạnh dưới) cũng sẽ rất nguy hiểm.

Thậm chí có ý tưởng tồi tệ hơn rằng khi bạn đặt lệnh mua trong một xu hướng tăng và lệnh đó có dừng lỗ, chốt lời rõ ràng, để đề phòng nhận định sai, bạn đặt một lệnh bán ngay tại vị trí đặt dừng lỗ đề phòng thị trường đảo chiều thì vẫn có lợi nhuận, ý tưởng này nghe có vẻ hay nhưng thật là buồn cười.

Chúng ta sẽ gặp không ít trường hợp thị trường vừa quét dừng lỗ của mình xong là lập tức quay đầu đi đúng hướng mà mình đã dự đoán. Nếu bạn đặt lệnh như trên đồng nghĩa với việc bạn thua luôn hai lệnh. Cho nên điểm vào lệnh đẹp là vô cùng quan trọng theo đúng như câu nói “Đúng người đúng thời điểm”.

Bản chất chúng ta làm gì?

Chúng ta quay lại khái niệm mà đã nhắc ở các bài trước đó là xu hướng thị trường dài hạn (trend) và xu hướng ngắn hạn để vào lệnh (Bias). hay có thể nói là xu hướng thị trường và xu hướng vào lệnh.

Trong quá trình diễn giải thì Thgold thường sử dụng là xu hướng thị trường nhưng thực chất là chúng ta đang thiên nhiều về xác định xu hướng vào lệnh mới đúng hơn.

Vì đơn giản là nếu để biết xu hướng thị trường chung như thế nào chúng ta có thể thu nhỏ biểu đồ lại và nhìn độ dốc của biểu đồ để biết ngay xu hướng thị trường.

Nhưng để giao dịch thì bạn lại phải xác định xu hướng giao dịch mới đúng vì bạn chẳng thể nào thu nhỏ biểu đồ lại để xem nó xu hướng gì và vào lệnh theo hướng đó.

Vì nhìn về một thời gian dài thì nó là xu hướng đó nhưng chúng ta lại giao dịch chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cho nên mục đích cuối cùng là chúng ta phần tích xu hướng giao dịch của hiện tại.

Hai khái niệm này là tương đối mong manh và mơ hồ cho nên các bạn cố gắng tư duy dựa trên những gì đã học nhé. Còn trong các bài viết thì Thgold vẫn thường sử dụng chung là cụm từ xu hướng thị trường để với hàm ý định hướng vào lệnh giao dịch theo hướng như thế nào.

Hai câu hỏi cần trả lời cho xác định xu hướng

Nhiều người ám ảnh với việc cố gắng bắt đỉnh bắt đáy từng sự di chuyển nhỏ của thị trường mà bỏ qua việc nhận định, đánh giá xu hướng thật sự của thị trường.

Để ngăn chặn sự thiếu tập trung, quá trình suy nghĩ và phân tích bạn nên trải qua hai giai đoạn như sau:

Đánh giá xu hướng là gì?

Đưa ra nhận định về xu hướng của thị trường. Hãy nói rằng thị trường có xu hướng tăng hoặc thị trường có xu hướng giảm.

Đừng bao giờ nói rằng thị trường đang cân bằng khi giao dịch vì nếu thị trường không di chuyển bạn không thể có lợi nhuận và thậm chí khi phân tích để giao dịch trong vùng trading range bạn cũng phải xác định xem khả năng giá tăng hay giảm.

Tại sao chỉ tập trung vào xu hướng thị trường? Điều đó sẽ giúp cho bạn như có một kim chỉ nam cho hành động, tránh phải sự lộn xộn khi giao dịch. Bạn vẫn có thể không kiếm được tiền khi trade theo xu hướng nhưng bạn sẽ chắc chắn mất tiền nếu như không giao dịch theo một hướng đã định và mua bán lộn xộn.

Cở sở nào cho sự đánh giá đó?

Giải quyết câu hỏi “làm thế nào bạn chắc chắn với nhận định của mình?” “làm thế nào bạn nghĩ rằng thị trường sẽ đi lên?

Ví dụ, lập trường của bạn cho rằng giá tăng.

Vậy làm sao bạn chắc chắn với điều đó? Nếu bạn gần như chắc chắn thì hãy theo dõi và trade với bất cứ setup (mô hình giá) tăng nào đó xuất hiện, nếu không chắc chắn thì coi như thị trường đang ở trạng thái cân bằng và bạn nên đứng ngoài. Đừng giao dịch khi bạn không chắc chắn.

Hai bước trên giúp cho bạn giữ được sự tập trung và giao dịch theo giả thuyết mà bạn đưa ra.

Tại một thời điểm nhất định, bạn phải đưa ra câu trả lời rõ ràng. Ví dụ, thị trường đang tăng và chúng ta cũng vẽ ra được một trendline tăng làm ngưỡng hỗ trợ.

Đồng thời nếu thị trường không tạo ra một điểm chốt đỉnh vững bền nào thì khi đó chúng ta cũng có thể kết luận khá chắc chắn về xu hướng tăng.

Tình huống khó xác định xu hướng

Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có được một câu trả lời rõ ràng, một vùng lộn xộn mà chúng ta không thể xác định được xu hướng như thế nào trong thời gian sắp tới sẽ có các tình huống như sau:

  • Trendline bị phá vỡ.
  • Có nhiều hơn một đường trendline có hiệu lực.
  • Giá di chuyển quá xa đường trendline.
  • Đường trendline có độ dốc thấp gần như nằm phương ngang
  • Đường trendline có thời gian tồn tại ngắn.
  • Giá đang bị kẹt giữa hai đường trendline (một lên và một xuống).

Thgold sẽ trình bày các ví dụ cụ thể trong các trường hợp và bao hàm tất cả những tình huống nêu trên trong bài viết sau để chúng ta lưu ý trong những trường hợp thị trường mù mờ, không rõ ràng.

Các bước thực hiện xác định xu hướng thị trường

Phần này chúng ta sẽ củng cố lại những gì mà các bạn đã học và thực hiện theo hướng dẫn từng bước một quá trình đánh giá xu hướng của thị trường như sau:

  1. Vẽ ra các bước sóng của thị trường và xác định các điểm chốt.
  2. Xác định đâu là điểm chốt vững bền.
  3. Vẽ đường trendline dựa vào điểm chốt vững bền.
  4. Quan sát hành động giá trong mối quan hệ với đường trendline mới nhất.
  5. Quan sát xung lượng của thị trường thể hiện qua sự hình thành các điểm chốt thứ cấp.

Khi bạn mở biểu đồ lên, việc đầu tiên bạn làm đó là đánh dấu các bước sóng và điểm chốt của thị trường.

Đây là một việc làm cơ bản, một kỹ năng cơ bản, nếu bạn không chắc chắn về nó thì hãy quay lại các bài viết trước để đọc lại và thực hành lại cho nhuần nhuyễn.

Chỉ khi các điểm chốt được đánh dấu ra một cách rõ ràng thì bạn mới biết đâu là điểm chốt vững bền và từ đó ta vẽ được trendline. Trong một thị trường mà giá đang có chiều đi lên thì việc tìm ra điểm chốt đáy vững bền là tất yếu nhưng cũng phải để ý đến cả các điểm chốt đỉnh vững bền. Ngược lại là chiều hướng đi xuống cũng thế.

Sau đó ta vẽ ra tất cả các đường trendline gần nhất. Những đường trendline này sẽ phản ánh cấu trúc thị trường gần nhất mà chúng ta cần để giao dịch.

Trong khi trendline là nền tảng cho việc phân tích thì chúng ta vẫn cần tập trung vào diễn biễn giá hiện tại để xem điều gì đang thực sự diễn ra. Đặc biệt, chúng ta phải quan tâm đến sự tương quan giữa đường trendline với giá hiện tại.

Khi chúng ta xem xét giá hiện tại với đường trendline gần nhất, sẽ có 3 viễn cảnh:

  1. Đường trendline vẫn còn hiệu nghiệm (chưa bị phá vỡ).
  2. Đường trendline đã bị phá vỡ một cách dứt khoát (tức là phá vỡ trendline với một xung lượng mạnh).
  3. Đang giằng co tại vị trí trendline (không chắc chắn).

Bảng sau sẽ thể hiện sự liên quan của mỗi trường hợp đến xu hướng thị trường:

Trạng thái Còn hiệu nghiệm Bị phá vỡ Không chắc chắn
Trendline tăng Xu hướng tăng Xu hướng giảm Đứng ngoài quan sát
Trendline giảm Xu hướng giảm Xu hướng tăng Đứng ngoài quan sát

Ví dụ, đường trendline gần nhất có độ dốc đi xuống, thị trường đã tăng giá phá vỡ đường trendline với một xung lượng mạnh. Điều đó có nghĩa rằng đường trendline đã bị phá vỡ.

Xu hướng thị trường hiện tại của chúng ta bây giờ là tăng, vì thường là nó đã tạo ra được điểm chốt đáy vững bền, thậm chí có trường hợp nó có thể không hình thành được một đường trendline tăng vì giá đi quá mạnh nên không tạo được điểm chốt đáy vững bền.

Nhắc lại về những tình huống mà bạn sẽ không chắc chắn về xu hướng giao dịch:

  • Trendline bị phá vỡ mà không có một xung lượng rõ ràng.
  • Nhiều đường trendline.
  • Giá đi quá xa so với đường trendline.
  • Trendline gần như nằm ngang.
  • Đường trendline ngắn.
  • Giá bị kìm hãm (dao động trong một vùng rất nhỏ dọc theo đường trendline.

Chúng ta sẽ làm gì khi gặp những tình huống đó? Một công cụ hữu ích đó là phân tích xung lượng thị trường dựa vào sự hình thành các điểm chốt thứ cấp mà chúng ta đã học trong phần điểm chốt thứ cấp.

Bằng cách tập trung vào các điểm chốt thứ cấp bạn có thể quan sát được độ mạnh yếu của xung lượng tăng lẫn giảm. Xung lượng thể hiện phần nào sức kháng cự của các điểm chốt bị nó phá vỡ qua đó xác định lực mua và lực bán.

Giải mã xu hướng thị trường đỏi hỏi sự kỷ luật, kiên trì và bền bỉ. Thêm vào đó là kinh nghiệm cá nhân bởi chúng phần nào dựa vào sự đánh giá chủ quan của chúng ta.

Vì bài viết đã quá dài nên trong bài viết sau Thgold sẽ trình bày cụ thể các ví dụ trong những trường hợp mà chúng ta khó xác định xu hướng thị trường như đã nêu ở trên.

.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *