,

Giao dịch Forex với tin tức sao cho hợp lý?

Những bản tin kinh tế và các chỉ số được công bố ra là một phần không thể thiếu trong giao dịch Forex. Khi các tin tức kinh tế được đưa ra thì nó có sự tác động lớn đến thị trường Forex, những lúc như vậy giá sẽ không đi theo Price Action thông thường và giao dịch Forex với tin tức như thế nào cho hợp lý chúng ta hãy cùng tham khảo trong bài viết này.

Cách đọc bảng tin kinh tế

Những người giao dịch ngoại hối sẽ phải thường xuyên theo dõi và nắm bắt thời điểm mà các tin tức kinh tế quan trọng được công bố.

Lịch công bố tin kinh tế các bạn có thể xem tại trang tin tức kinh tế của Thgold hoặc là trên trang Forex Factory.

Ví dụ một bảng lịch tin tức kinh tế sẽ như sau:

tin-kinh-te-trong-thi-truong-forex

Một bảng tin tức kinh tế sẽ phân loại thành 3 mức độ đó là:

  • Tin tức rất quan trọng là các tin được đánh dấu màu đỏ ở đầu
  • Tức tức quan trọng là các tin tức được đánh dầu màu vàng ở đầu
  • Tin tức kém quan trọng là các tin tức có màu xám.

Ngoài ra ở trang Forex Factory thì nó phân thành 4 mức độ đó là: Tin tức rất quan trọng có màu đỏ, tin quan trọng có màu cam, tin tức quan trọng vừa có màu vàng và tin kém quan trọng có màu xám.

Về cơ bản chúng ta sẽ chú ý nhiều đến các tin tức đánh dấu màu đỏ nhất và sau đó là những tin có màu cam hoặc vàng. Các tin tức kém quan trọng chúng ta không cần thiết phải chú ý.

Những tin tức rất quan trọng khi được công bố sẽ có thể làm biến động thị trường rất mạnh, nó có thể làm thị trường biến động cả trăm đến hàng trăm pip trong một thời gian ngắn.

Trong một bản tin tức kinh tế sẽ có các cột như sau:

  • Time: Thời gian tin tức được công bố
  • Currency: Đồng tiền có liên quan
  • Event: Tin tức hay sự kiện được công bố
  • Actual: Con số thực tế được công bố
  • Forecast: Con số dự báo trước khi tin tức chính thức được công bố
  • Previous: Con số được công bố ở kỳ trước để ta so sánh với con số được công bố kỳ này để xem nó tốt hay là xấu hơn.

Đặc điểm thị trường khi tin tức được công bố

Thị trường khi mà công bố một tin tức kinh tế quan trọng thì luôn không giống với trạng thái bình thường mà nó sẽ có biểu hiện giống như một người điên loạn vậy, giá sẽ giật lắc và biến động lên xuống không theo một quy luật nào cả. Sau đây sẽ một số đặc điểm của thị trường khi mà tin tức được công bố:

Khoảng Spread vô cùng lớn

Đây là điều dễ thấy nhất khi mà bình thường các cặp tiền chính nó có thể chỉ là chưa đến 1 pip hoặc cao thì cũng chỉ là 2-3 pip nhưng khi mà tin tức quan trọng được công bố thì nó có thể kéo giãn Spread ra đến 10 hay 20 pip.

Chẳng hạn như ví dụ sau:

sự chênh lệch giá Spread khi có tin tức

Mà khi khoảng giá Spread giãn ra lớn như vậy thì nó gây rất nhiều bất lợi cho người giao dịch. Tại sao nó lại như vậy thì chúng ta hãy xem ví dụ bên dưới đây.

Với một lệnh giao dịch Forex ở trạng thái bình thường, giả sử đối với cặp tiền EUR/USD có một khoảng spread cố định là 2 pip.

Giả sử bạn đặt một lệnh mà có Take Profit là 20 pip thì có nghĩa là giá phải di chuyển một quãng đường là 22 pip (20 + 2) thì lệnh của bạn mới được chốt lời. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các cặp tiền hay bất kỳ một sản phẩm gì giao dịch trên đời này đều có giá mua (ask) và giá bán (bid).

Trong đó giá Bid sẽ thấp hơn giá Ask. Chẳng hạn như với trường hợp Spread thông thường nêu trên giá bid là 1.2458 còn giá Ask là 1.2460

Sau đây là ví dụ về một lệnh cụ thể:

Ở ví dụ trên bạn đặt một lệnh giao dịch có mức chốt lời là 20 Pip với mức giá vào lệnh là 1.2460 và mức giá chốt lời là 1.2480.

Như vậy giả sử như khoảng Spread cố định là gì 2 Pip thì có nghĩa là chúng ta sẽ vào lệnh khi mức giá Bid/Ask cụ thể là 1.2458/1.2460 và chốt lời khi nó có mức giá Bid/Ask cụ thể là 1.2480/1.2482.

Tức là khi mua thì chúng ta phải trả mức giá cao Ask và khi bán thì chúng ta chỉ được bán với giá thấp đó là giá Bid.

Vậy thì bạn đã hiểu được chuyện gì xảy ra nếu như có tin tức quan trọng và khoảng Spread khi đó giãn ra đến 20 Pip chẳng hạn. Rõ ràng lúc đó mức giá phải biến động đến 40 pip thì bạn mới có được một lệnh chốt lời với 20 Pip.

Trượt giá (Price Slippage)

Bạn hãy tưởng tượng về một bộ phim hành động kiểu như có một nhân vật tên là Tony đang đứng chờ để chuẩn bị nhảy lên một chiếc xe của đồng đội đang chạy tới cứu Tony khỏi sự truy đuổi của những tên sát thủ đang lao đến.

Nhưng không may chiếc xe chạy nhanh quá và theo đà quán tính nó không dừng được ngay chỗ mà Tony đang đứng, thế là một đồng bọn trên xe phải nhoài người về sau để bắt lấy tay Tony kéo anh ta lên xe.

Đó chỉ là một câu chuyện tưởng tượng nhưng phản ánh về sự trượt giá trong những lúc mà thị trường nóng hổi bởi một tin tức kinh tế quan trọng vừa mới được công bố, nóng như cảnh hành động trong phim trên vậy.

Hiểu đơn giản là trượt giá là việc mà bạn đặt lệnh ở mức giá 1.2460 như ví dụ ở phần trên nhưng kết quả là bạn lại không được khớp lệnh ở mức giá mình mong muốn mà có thể là khớp lệnh ở một mức giá khác như là 1.2465 chẳng hạn.

Nếu các bạn theo dõi thị trường khi mà nó có các tin tức quan trọng được thông báo chẳng hạn như tin Non-farm thì nó có thể giựt giá rất khủng khiếp, đôi khi đang ở mức giá này nhưng nháy mắt một cái là nó đã bắn lên mức giá cao hơn 20-30 pip.

Vậy chúng ta sẽ có câu hỏi đặt ra là…

Có nên giao dịch khi tin tức công bố?

Với những điều bất lợi trên thị trường tài chính đã phân tích ở trên khi mà các tin tức được công bố thì rõ ràng lời khuyên của Thgold là không nên giao dịch khi mà tin tức được đưa ra.

Thậm chí là không nên giao dịch trong khoảng thời gian trước khi tin tức được công bố khoảng 1 tiếng đồng hồ cho đến sau khi tin tức đã được công bố khoảng 1 giờ đồng hồ. Hoặc nếu cẩn thận hơn thì bạn sẽ không giao dịch sau khi tin tức được đưa ra mà chờ đến ngày hôm sau mới tiếp tục vào lệnh mới.

Bởi vì khi biến động giá với tin tức được hình thành thì nó biến động vô cùng mạnh và không theo quy tắc nào cả. Khi đó nó sẽ phải cần hàng giờ đồng hồ sau để ổn định và trở về quỹ đạo bình thường.

Có nghĩa là chúng ta không nên giao dịch cả trước, trong và sau khi tin tức đưa ra. Vì nếu theo dõi biểu đồ giá nhiều thì bạn sẽ thấy rằng giá sẽ biến động mạnh ngay trước khi tin tức được công bố chứ không chờ đến khi tin tức được chính thức công bố thì giá mới có sự biến động.

Có nhiều hội nhóm cứ kéo nhau giao dịch vào thời điểm mà tin tức quan trọng được đưa ra vì cho rằng giá biến động nhanh thì càng nhanh kiếm tiền nhiều.

Thế nhưng nó chẳng khác nào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà phần thiệt thòi lớn nhất lại thuộc về người giao dịch thì không dại gì mà lao vào cả.

Giá có thực sự đi theo tin tức?

Câu hỏi tiếp theo về tin tức ảnh hưởng đến thị trường tài chính và đặc biệt là thị trường ngoại hối như thế nào và nó có theo một quy tắc hay không?

Quy tắc ở đây có nghĩa là thông thường tin tức tốt thì giá của đồng tiền đó tăng cao còn tin tức xấu thì giá của đồng tiền đó suy giảm.

Thế nhưng đời không như là mơ!

Chẳng hạn một tin tức báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ. Tin tức đưa ra cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã được cải thiện đáng kể và số người có việc làm tăng cao.

Điều đó có nghĩa là kinh tế Mỹ phát triển và đồng USD sẽ mạnh hơn. Thế nhưng những gì thể hiện trên biểu đồ giá của các cặp tiền tệ thì lại không như người ta nghĩ khi mà đồng USD lại suy giảm so với các đồng tiền khác.

Điều đó xảy ra bởi vì:

Nền kinh tế chung vẫn không mấy khả quan

Bạn hãy tưởng tượng tin tức về tỷ lệ thất nghiệp là tốt nhưng nó giống như là một món ăn ngon trong một bàn ăn toàn các món dở thì nhìn chung là bữa ăn đó không ngon.

Tin tức về tỷ lệ thất nghiệp cũng thế, nó có thể là con số tích cực đấy nhưng mà nhìn chung nền kinh tế Mỹ vẫn còn vấn đề thì nó không thể nào kéo đồng USD lên được.

Việc làm tăng chỉ là mang tính tạm thời

Có thể việc chỉ số thất nghiệp giảm và việc làm tăng chỉ là tạm thời và nó không bền vững khiến cho nền kinh tế không chắc chắn được cải thiện một cách lâu dài.

Chẳng hạn như những dịp cao điểm lễ giáng sinh hay Halloween cần nhiều lao động phục vụ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, khi này thì số lượng việc làm sẽ tăng lên rất cao nhưng sau thời gian ngắn thì nó lại quay về như trước kia.

Do đó để nhìn nhận một cách toàn diện về tình hình kinh tế thì bạn hãy có cái nhìn đa chiều, chẳng hạn với tỷ lệ thất nghiệp thì chúng ta nên so sánh năm ngoái với năm nay để có thể biết chính xác hơn việc làm tăng hay giảm.

Những tin tức nào đáng quan tâm?

Nhưng đã nói ban đầu thì sẽ có những tin tức quan trọng mà chúng ta cần chú ý và ngược lại có những tin tức thực sự không có ảnh hưởng gì nhiều đến thị trường nên chúng ta cũng không cần thiết chú ý đến.

Vậy thì những tin tức nào bạn cần quan tâm? Đó là các tin tức có liên quan đến:

  • Những thay đổi trong chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương
  • Chính sách tài khoá của chính phủ trong đầu tư, xây dựng và phát triển
  • Các kết quả công bố bất ngờ về dữ liệu kinh tế.
  • Hay thậm chí là những dòng Tweet ngẫu nhiên của những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Với bảng lịch thông tin kinh tế thì chủ yếu là chúng ta tập trung vào các tin tức rất quan trọng và nó thường là các tin tức về lãi suất, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, chỉ số bán lẻ, sản xuất và tiêu dùng… Cụ thể sẽ là các chỉ số về:

  • Tỷ lệ lãi suất bởi ngân hàng Trung ương
  • Lạm phát liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI-Consumer price index), chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE-Personal Consumption Expenditures) và chỉ số giá sản xuất (Producer Price Index – PPI)
  • Chỉ số thất nghiệp (unemployment, wage growth)
  • Chỉ số tăng trưởng kinh tế GDP
  • Chỉ số bán lẻ (Retail sales)
  • Sản lượng công nghiệp (Industrial production)
  • Dữ liệu về nhà ở (Housing data) như là số lượng bán và số lượng thi công.
  • Cán cân thương mại
  • Khảo sát về tâm lý kinh doanh (Business sentiment surveys)
  • Khảo sát về lĩnh vực sản xuất (Manufacturing sector surveys
  • Khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng (Consumer confidence surveys)

Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có thể có những cách gọi tên khác nhau cho cùng một chỉ số kinh tế nhưng về cơ bản bạn có thể dễ dàng nhận biết được nó.

Các tin tức quan trọng nhất đến từ United State

Có rất nhiều các tin tức kinh tế đến từ các quốc gia khác nhau nhưng tin tức có ảnh hưởng hàng đầu đến thị trường ngoại hối là những tin tức đến từ Mỹ.

Điều này rất dễ hiểu bởi vì đồng USD chi phối gần như hoàn toàn thị trường tài chính và tiền tệ. Không chỉ vậy mà Mỹ còn là quốc gia hàng đầu thế giới không chỉ về kinh tế mà còn là quân sự, khoa học và công nghệ, năng lượng, địa chính trị….

Thực sự rất khó để có thể thay thế được vị thế của Mỹ cũng như là đồng USD vì ngay cả sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc thì đồng nhân dân tệ CNY dường như vẫn chưa thể “có số” trên bản đồ tiền tệ thế giới.

Trong khi đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của nhiều quốc gia.

Sau đây là bảng thể hiện mức độ dao động trung bình của các bản tin kinh tế được đưa ra từ Mỹ:

muc-do-dao-dong-cua-cac-tin-tuc

Có thể thấy bản tin Non Farrm là tin tức cho độ biến động về giá mạnh nhất với trung bình là hơn 140 pips. Các bản tin quan trọng hàng đầu khác như là FOMC, Trade Balance, CPI và Retail Sales.

Ngoài các báo cáo về kinh tế có trong lịch kinh tế thì thị trường tài chính và tiền tệ còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố địa chính trị khác như là:

  • Dịch bệnh như đại dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường tài chính và tiền tệ.
  • Chiến tranh, chẳng hạn như chiến tranh Nga – Ukraina gần đây ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới.
  • Thiên tai, thảm hoạ tự nhiên
  • Các bất ổn chính trị trong một quốc gia nào đó.
  • Các cuộc bầu cử, đặc biệt là bầu cử của Mỹ luôn được toàn thế giới quan tâm chứ không riêng gì ở Mỹ.

Đôi khi có những sự kiện của một công ty, tập đoàn lớn nào đó mà ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến cả thị trường tiền tệ. Do đó không ai có thể kiểm soát hoàn toàn các tin tức có thể làm biến động thị trường tài chính cả.

Tuy nhiên có một điều đặc biệt là đôi khi các sự kiện đó làm giá biến động nhanh hơn nhưng nó vẫn phần nào theo yếu tố kỹ thuật chứ không hoàn toàn là nhảy giá một cách loạn xạ.

Cho nên vì sao mà chúng ta cứ tập trung vào kỹ thuật và chỉ cần quan tâm đến những tin tức, sự kiện chính mà không cần phải ôm đồm quá nhiều những tin tức khác.

Lời kết

Trên đây là chi tiết về các tin tức liên quan đến giao dịch Forex, có thể nói các tin tức kinh tế là thứ mà chúng ta không thể bỏ qua khi giao dịch Forex để từ đó có thể nắm được tình hình và phần nào định hướng được biểu giá trong tương lai.

Tuy nhiên có một điều quan trọng nữa là chúng ta theo dõi lịch công bố các tin tức đôi khi không phải là để giao dịch mà là để tránh giao dịch.

Thgold luôn khuyến khích các bạn không nên giao dịch khi tin tức được công bố như đã nói ở phần đầu, vì khi tin tức đưa ra thì khoảng Spread tăng và có nguy cơ trượt giá cao nên hầu hết các điều bất lợi đều thuộc về người giao dịch.

Chưa kể là rất nhiều trường hợp khi tin tức đã được công bố ra thì mọi người nghĩ tỷ giá một cặp tiền nào đó sẽ tăng theo  lối suy luận thông thường nhưng thực tế nó lại trái ngược hoàn toàn mà nhiều người giao dịch không hiểu tại sao nó lại như vậy.

Vì thế các bạn cũng không nên quá tập trung vào việc cố gom nhặt các tin tức và đọc nhiều tờ báo kinh tế nhằm nắm bắt tin tức thật nhiều làm gì, đôi khi nó lại phản tác đụng, phân tích kỹ thuật vẫn là một thứ không thể thay thế và là đỉnh cao của giao dịch, đặc biệt là Price Action.

.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *