Chúng ta đã được biết trong giao dịch tài chính có 3 dạng phân tích đó là phân tích cơ bản (Fundamental Analysis), phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) và phân tích tâm lý (Sentiment Analysis). Chúng ta hầu như là học nhiều về phân tích kỹ thuật và có đan xen phân tích tâm lý ở trong đó mà chưa đề cập nhiều về phân tích cơ bản sẽ như thế nào. Vậy trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu phân tích cơ bản là gì? Những yếu tố nào chúng ta cần quan tâm trong phân tích cơ bản.
Phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản hay Fundamental Analysis chính là những yếu tố cơ bản mang tính vĩ mô của nền kinh tế chung trong một quốc gia, khu vực hay thậm chí là toàn cầu.
Nói đến phân tích cơ bản thì chúng ta xem như gạt các biểu đồ nến xanh đỏ sang một bên và không cần gì đến nó nữa, thứ mà chúng ta quan tâm nhiều có lẽ là đến các tin tức kinh tế, chính trị, xã hội và các báo cáo tài chính, các chính sách của chính phủ…
Có thể nói rằng phân tích cơ bản là một phạm trù rất rộng lớn và mênh mông mà không ai có thể nắm hết được, thông thường chúng ta chỉ có thể dựa vào những yếu tố cơ bản và có ảnh hưởng sâu rộng nhất cho toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên bạn hãy yên tâm rằng chẳng cần bạn phải là một nhà kinh tế học thì mới có thể phân tích cơ bản, đôi khi trong thị trường tài chính và giao dịch thì biết nhiều quá cũng chưa chắc tốt, biết ít mà tập trung có khi lại là điều tốt.
Những yếu tố thường được quan tâm nhất khi phân tích cơ bản đó là:
- Lãi suất (Interest Rates)
- Lạm phát (Inflation)
- Tổng sản phẩm quốc nội GDP (Gross Domestic Product)
- Tỷ lệ thất nghiệp (Employment Data)
Khi phân tích cơ bản để giao dịch ngoại hối Forex thì chúng ta thường là sẽ tập trung vào theo dõi tin tức kinh tế của các nền kinh tế có đồng tiền tệ ảnh hưởng nhất thể giới, chẳng hạn như Mỹ với đồng USD, Liên minh châu Âu với đồng EUR hay Nhật Bản với đồng JPY.
Một khi các thông tin kinh tế cơ bản được công bố thì nó sẽ làm thay đổi bối cảnh kinh tế và ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh thương mại trên toàn cầu, và tất nhiên là không thể thiếu những ảnh hưởng đến tiền tệ.
Đôi khi ngay cả những dự đoán về các sự kiện sắp tới có thể xảy ra như thế nào cũng đã có ảnh hưởng lớn đến thị trường và nó đã phản ứng với những dự báo đó rồi vì đa phần các dự báo đó tương đối là chính xác.
Nếu theo dõi thị trường nhiều năm không chỉ ngoại hối mà cả các thị trường tài chính khác thì trước khi các thông tin kinh tế được công bố thì thị trường đã có những biến động mạnh rồi, đó là lý do mà chúng ta không nên giao dịch thời điểm trước, trong và sau gần thời điểm tin tức được đưa ra.
Nhiệm vụ của chúng ta là sẽ phải tìm hiểu xem một tin tức kinh tế đưa ra thì nó sẽ tác động như nào đến nền kinh tế và tiền tệ, nếu tin tức tốt thì như thế nào và tin tức xấu thì như thế nào.
Tin tức cơ bản và diễn biến giá không hẳn trùng khớp
Thực chất thì các tin tức cơ bản không trực tiếp làm ảnh hưởng đến tỷ giá của các cặp tiền tệ mà chính sự phản ứng của con người hay cụ thể hơn là tâm lý và sự đánh giá của đám đông về tin tức kinh tế đó là thứ khiến cho thị trường biến động và quyết định đến giá cả.
Chính vì vậy mà đôi khi cách phản ứng của giá cả đối với các chỉ số kinh tế cơ bản lại không hoàn toàn logic với nhau như kiểu có A thì suy ra B, có C thì suy ra D.
Thêm vào đó cũng là bởi vì những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến nền kinh tế là vô cùng lớn mà chúng ta không thể nắm hết được, đôi khi có một sự kiện nào đó diễn ra mà ta không hề hay biết, những yếu tố bất ngờ xảy đến mà không phải là lịch báo cáo kinh tế vẫn thường diễn ra theo kế hoạch rõ ràng sẽ là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến toàn thị trường.
Hoặc trong thị trường tiền tệ thì tỷ giá là sự tác động qua lại của cả hai đồng tiền tệ, ví dụ như cặp tiền EUR/USD chẳng hạn, có thể tin tức kinh tế từ châu Âu là tệ, chúng ta sẽ đoán rằng tỷ giá EUR/USD giảm nhưng có khi đồng USD cũng đang chịu những tác động tiêu cực nào đó và khi này cả hai đồng tiền đều có viễn cảnh xấu thì việc tỷ giá của cặp tiền EUR/USD sẽ tăng hay giảm là chuyện khó đoán định.
Lúc đó thì yếu tố phân tích kỹ thuật có thể quyết định tất cả.
Có trường hợp ví dụ như cặp tiền USD/JPY chẳng hạn, tin tức liên quan đến đồng USD mới được công bố là xấu và đồng USD sẽ yếu so với đồng JPY, khi đó hầu hết mọi người đều cho rằng tỷ giá USD/JPY sẽ giảm nhưng trước khi giảm thì nó lại tăng đến ngưỡng kháng cự mạnh ở phía trên rồi mới quay đầu đảo chiều.
Nói như vậy để chúng ta thấy rằng chúng ta không phủ nhận các yếu tố cơ bản nhưng cũng không hoàn toàn quá phụ thuộc vào các yếu tố đó, yếu tố kỹ thuật vẫn là một thứ vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng ngay cả khi có tin tức hay sự kiện kinh tế quan trọng.
Mức độ quan trọng của phân tích cơ bản hay kỹ thuật cũng phụ thuộc vào phong cách đầu tư của bạn là ngắn hạn hay dài hạn.
Ví dụ với người đầu tư dài hạn thì có lẽ phân tích cơ bản là quan trọng hơn vì nó ảnh hưởng đến tổng quát nền kinh tế và những con sóng nhỏ đôi khi là đi theo kỹ thuật sẽ không phải là vấn đề. Nhưng không có nghĩa phân tích kỹ thuật không quan trọng với những người đầu tư dài hạn.
Với người giao dịch ngắn hạn thì yếu tố kỹ thuật trong đó Price Action có lẽ là quan trọng hơn cả vì khi không có tin tức thì gần như giá đi theo kỹ thuật là nhiều, nhưng người giao dịch ngắn hạn đôi khi theo dõi tin tức chủ yếu để né những khoảng thời gian mà tin tức đưa ra.
Rất nhiều trường hợp mà khi tin tức đưa ra thì giá có sự biến động rất mạnh và yếu tố kỹ thuật khi đó không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng sau đó giá lại quay về đúng với sự di chuyển bình thường của nó trước đó. Sau đây là một ví dụ:
Hãy để ý ví dụ trên, cây nến đỏ lớn đó là một nến được hình thành do tin tức được đưa ra. Cây nến này có độ giảm lên đến gần 150 pip và nó đã chạm đến ngưỡng hỗ trợ và kháng cự mạnh khi vị trí này có rất nhiều đỉnh và đáy trước đó.
Tuy nhiên thông thường những sự biến động đó giống như một sợi dây thun bị kéo giãn ra và nó không phải một sợi dây thun trong trạng thái bình thường, vì vậy khi mà lực kéo giãn không còn (tức tin tức kinh tế đã qua và hết nóng hổi) thì giá thường sẽ hồi về lập lại khoáng trống của biến động giá trước đó. Giống như sợi dây thun quay về trạng thái bình thường vậy.
Và đúng như vậy khi ví dụ trên ta thấy giá nhanh chóng hồi về vị trí cũ và đi theo quỹ đạo kỹ thuật bình thường của nó trước đó.
Giả sử không có tin tức đưa ra và không có cây nến giảm mạnh đó thì thông thường sau một chu kỳ tăng giá mạnh thì nó sẽ chững lại và đi ngang hoặc là giảm điều chỉnh, kết quả ở trên là nó hình thành lên một kênh giá rất đẹp đúng với yếu tố kỹ thuật.
Như vậy có thể thấy rằng tin tức khi mới đưa ra có thể làm biến động giá rất mạnh nhưng sau đó nó sẽ quay về quỹ tạo trước đó của nó.
Nhưng không có nghĩa là tin tức không có giá trị gì sau đó, có thể về dài hạn nó sẽ hình thành lên một xu hướng giảm nếu như tin tức trước đó gây bất lợi cho cặp tỷ giá hoặc là sẽ tăng nếu như tin tức là thuận lợi.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ cơ bản về phân tích cơ bản và các bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các chỉ số kinh tế có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến thị trường tài chính nói chung và thị trường Forex nói riêng.