,

Mô hình giá là gì? Hướng dẫn giao dịch với 12 Chart Pattern phổ biến nhất

Chúng ta đã được học qua môt loạt các công cụ nhằm phục vụ cho giao dịch với thị trường tài chính. Phần này chúng ta sẽ tiếp tục bổ sung thêm một thứ vũ khí mới đó là Chart pattern hay còn gọi là mô hình giá. Vậy Mô hình giá là gì và cách sử dụng nó vào giao dịch như thế nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Mô hình giá là gì?

Mô hình giá hay còn có thể gọi là mẫu hình giá, Price Pattern hoặc là Chart Pattern. Thoạt nhìn với những người mới tham gia vào thị trường thì chúng ta có thể nghĩ rằng giá đi theo nhưng quỹ đạo vô định và không hề có quy luật nào cả.

Nhưng mọi thứ không hẳn là như vậy khi mà lịch sử đã cho thấy biểu đồ giá có nhiều thời điểm đi theo một quỹ đạo rất giống nhau và nó hình thành lên các mô hình giá.

Khi quan sát lại lịch sử giá của rất nhiều thị trường tài chính khác nhau thì người ta đã phát hiện ra một số dạng mô hình giá phổ biến và dựa vào đó mà ta có thể dự đoán hướng đi của giá trong tương lai để vào lệnh.

Cụ thể thì có những mô hình giá phổ biến nào và cách sử dụng chúng ta sao hãy theo dõi chi tiết dưới đây.

1. Mô hình giá tam giác tăng (Ascending triangle)

Mẫu hình giá Ascending triangle hay tam giác tăng dần là một mô hình tiếp diễn trong xu hướng tăng để chúng ta có thể giao dịch thuận xu hướng, mô hình giá này gặp rất nhiều trong thực tế và để dễ hiểu thì chúng ta xem ví dụ sau đây:

Với mô hình tam giác tăng này thì nó sẽ có cạnh bên trên là nằm ngang với một số đỉnh chạm đến ngưỡng giá này nhưng sau đó quay đầu. Trong khi đó thì cạnh dưới sẽ có hướng chếch lên trên với các đáy sau cao hơn đáy trước thể hiện cho sóng giảm điều chỉnh yếu dần.

Điều này cho thấy rằng bên mua vẫn đang cố gắng đẩy giá vượt lên ngưỡng kháng cự mạnh mà không hề có sự giành lợi thế từ phía bên bán, bên bán có lực yếu dần thể hiện qua các đáy trước cao hơn đáy sau.

Những nỗ lực đẩy giá lên giống như một mũi khoan đang cố gắng đâm thủng tấm trần nhà bê tông chắc chắn vậy. Và cuối cùng thì thông thường là nó sẽ đâm thủng thành công.

Khi đó cạnh trên của mô hình tam giác này cũng sẽ biến thành một ngưỡng hỗ trợ khi mà ngưỡng kháng cự đã bị phá vỡ. Thông thường giá sẽ quay lại test ngưỡng này trước khi thực sự tăng mạnh.

Dưới dây sẽ thêm một ví dụ về hình nến thu nhỏ hơn để bạn có cái nhìn tổng quan về mô hình giá này

Ví dụ trên đây là một điển hình cho mô hình tam giác tăng dần Ascending triangle. Giá sau khi phá vỡ được ngưỡng kháng cự thì lập tức hồi về test lại ngưỡng mà bây giờ là hỗ trợ. Giống như một ai đó trước khi đi xa cũng đều phải quay lại ôm và chào tạm biệt vậy.

2. Mô hình giá tam giác giảm dần (Descending triangle)

Mô hình Descending triangle hay còn gọi là mô hình tam giác giảm dần. Đây là mẫu hình giá ngược lại với mô hình giá Ascending triangle, nó xuất hiện ở vị trí tiếp diễn của một xu hướng giảm. Để dễ hình dung thì mời bạn xem một ví dụ về mô hình giá tam giác giảm dần dưới đây

Như vậy mô hình giá tam giác giảm đần sẽ bao gồm cạnh trên có độ dốc xuống như là hướng của một xu hướng giảm. Cạnh dưới của tam giác nằm ngang và thể hiện cho một ngưỡng hỗ trợ (kháng cự).

Cạnh trên có độ dốc xuống được hình thành bởi các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, trong khi đó thì cạnh dưới hình thành bởi một số đáy có mức giá ngang bằng nhau.

Cạnh dưới là một phần quan trọng khi mang nó thể hiện rõ một ngưỡng hỗ trợ mạnh, giá giảm đến ngưỡng này nhiều lần phải quay đầu. Nhưng nó lại không có nghĩa là sau đó giá tăng mạnh, ngược lại lực mua cũng yếu dần thể hiện thông qua các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Và nó lại giống như một mũi khoan đang nỗ lực đâm thủng cái nền nhà cứng cáp., sau nhiều sự cố gắng thì nó cũng đã khoan thủng và giảm sâu xuống bên dưới.

Quan trọng ở đây là ngưỡng hỗ trợ khi bị đâm thủng sẽ biến thành ngưỡng kháng cự và thông thường thì giá sẽ tăng hồi trở lại đễ test vị trí ngưỡng kháng cự mạnh đó trước khi có thể giảm thực sự sâu.

Ở ví dụ trên chúng ta để ý kỹ sẽ thấy có tận 2 mẫu hình tam giác giảm dần liên tiếp được hình thành, tam giác tiếp theo giống như hình dưới đây:

Có thể thấy các mẫu hình giá tam giác xuất hiện khá thường xuyên trên các biểu đồ giá nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra hoặc không chủ động tìm kiếm nên không thấy được nó.

3. Mô hình tam giác cân (Symmetrical triangle)

Đây là mô hình giá mà nó sẽ có cạnh trên và cạnh dưới tạo thành một hình tam giác cân, tức là cạnh trên sẽ dốc xuống và cạnh dưới sẽ dốc lên trên.

Mô hình này biểu thị cho các con sóng có biên độ dao động ngày càng nhỏ và yếu ớt dần, như một điểm dồn nén để thị trường bùng nổ ngay sau đó.

Cạnh trên có độ dốc xuống vì tạo bởi các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, cạnh dưới có độ dốc lên trên vì tạo bởi đáy sau cao hơn đáy trước.

Sau đây là một ví dụ cụ thể trong thực tế về mô hình giá này:

Ở trên mẫu hình tam giác cân xuất hiện trong một thị trường đang tăng giá và mô hình tam giác như một trạm dừng chân nghỉ ngơi sau một chặng đường dài vậy.

Đây là là mô hình tam giác tiếp diẽn trong xu hướng tăng. Dưới đây sẽ là một ví dụ về mẫu hình tam giác trong xu hướng giảm

Với ví dụ trường hợp trên thì ta thấy có liên tiếp nhiều mô hình tam giác cân xuất hiện, cứ sau mỗi mô hình tam giác cân thì thị trường lại giảm mạnh một nhịp rồi tiếp tục có một con sóng dao động lên xuống hình thành lên mô hình tam giác.

Ở trên là những ví dụ về mô hình tiếp diễn của tam giác cân, thế nhưng không giống như mô hình tam giác tăng dần hoặc tam giác giảm dần đó là các mô hình tam giác tiếp diễn còn với mô hình giá tam giác cân thì nó có thể là một tín hiệu đảo chiều, cụ thể như ví dụ dưới đây.

Thông thường để giao dịch được với mẫu hình tam giác cân nói riêng và các mẫu hình tam giác khác nói chung là chúng ta sẽ chờ cho giá phá vỡ mô hình và sau đó khi giá test lại ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của tam giác thì chúng ta sẽ tìm kiếm cơ hội vào lệnh.

4. Mô hình cờ nhọn (Pennant)

Mẫu hình cờ nhọn hoặc có thể gọi là cờ hiệu sử dụng trong nhiều hoạt động xã hội là một mô hình giá gần giống với mô hình tam giác cân, tuy nhiên nó có điểm khác biệt chính như sau:

  • Mô hình Pennant là mô hình tiếp diễn, đặc biệt hơn là trước khi hình thành nó sẽ phải có các cây nến mạnh để giống như một cột cờ vậy. Trong khi với mô hình tam giác cân thì điều này là không quan trọng.
  • Với mô hình tam giác cân thì sự hình thành của nó được tạo bởi các sóng lên xuống khá rõ ràng trong khi đối với mô hình Pennant thì nó chủ yếu là gồm một dãy các cây nến từ to cho đến nhỏ dần mà ít tạo ra các sóng cụ thể riêng biệt.

Cụ thể dưới đây là một ví dụ:

Ở trên là ví dụ về một mô hình cờ Pennant được tạo ra bởi sóng tăng và sau đó nó tiếp tục xu hướng tăng. Trước khi hình thành lên mô hình tam giác Pennant này thì nó có các cây nến tăng mạnh mẽ tạo thành một cột cờ.

Dưới đây sẽ là một ví dụ về lá cờ Pennant trong một thị trường giảm mạnh

Ở ví dụ trên sau 4 cây nến giảm mạnh liên tiếp thì giá đã chững lại và hình thành lên các cây nến đi ngang và có độ rộng hẹp dần trong mô hình Pennant.

Sau khi giá phá vỡ được mô hình lá cờ nhọn này thì chúng ta thấy là nó có quay lại test ngưỡng cạnh dưới của lá cờ hai lần trước khi thực sự giảm sâu tiếp tục.

5. Mô hình lá quốc kỳ (Flag)

Ở trên là mô hình cờ nhọn nhưng với lá cờ quốc kỳ thì nó luôn là hình chữ nhật. Vì vậy điểm khác biệt duy nhất giữa hai mẫu hình đó là hình dạng của lá cờ.

Sau đây sẽ là ví dụ về mô hình giá Flag

Sau 3 cây nến tăng mạnh trong đó cây nến thứ 2 tăng cực mạnh thì giá đã chứng lại với nhiều cây nến dao động trong một vùng giá nhất định tạo thành lá cờ Flag.

Sau đó giá đã phá vỡ ngưỡng cản trên của lá cờ và vọt tăng, giá cũng không quên quay lại test vùng ngưỡng cản trên của là cờ khi mà có rất nhiều cây nến có bóng nến dưới dài hình thành liên tiếp.

Sau đây sẽ là một ví dụ về mô hình lá cờ trong một xu hướng giảm giá

Ở ví dụ trên thì sau 4 cây nến giảm mạnh liên tiếp thì giá đã chững lại và hình thành lên các cây nến tăng giảm xen kẽ nhau chỉ dao động trong một khu vực giá nhất định tạo thành lá cờ.

Giá sau khi phá vỡ được lá cờ thì cũng có nhịp hồi về để test lại khu vực lá cờ với 3 cây nến có bóng nến trên rất lớn.

6. Mô hình cái nêm (Wedges)

Mẫu hình cái nêm có nhiều nét tương đồng với mô hình tam giác tăng dần hoặc giảm dần, thậm chí là còn có nhiều điểm tương đồng với mô hình lá cờ. Nhưng nó cũng có những điểm khác biệt để chúng ta có thể nhận biết:

  • Với mô hình cái nêm tăng: Nó sẽ xuất hiện trong xu hướng giảm giá, cái nêm sẽ có xu hướng tăng giá nhẹ như là một sóng hồi của xu hướng giảm sau một thời gian giảm mạnh. Đường trên và đường dưới của cái nêm đều có xu hướng dốc lên nhưng đường phía dưới sẽ dốc lớn hơn đường trên.
  • Với mô hình cái nêm giảm: Nó xuất hiện trong thị trường tăng giá trong đó cái nêm sẽ có hướng dốc xuống dưới, cả hai đường trên và dưới đều có hướng dốc lên nhưng trong đó đường ở trên sẽ có độ dốc xuống lớn hơn.

Cụ thể dưới đây sẽ là hai ví dụ cho mô hình này

Ở trên là mô hình cái nêm giảm trong một xu hướng tăng giá, có thể thấy sau một vài các cây nến tăng liên tiếp thì thường là giá sẽ chững lại nghỉ ngơi và những vị trí như này tạo ra rất nhiều các mô hình quen thuộc và chỉ cần tập trung chú ý phân tích thì chúng ta có thể nhận ra được một mô hình giá Chart pattern nào đó.

Ví dụ trên là mô hình cái nêm tăng xuất hiện trong một xu hướng giảm giá mạnh.

7. Mô hình giá hai đáy (Double bottom)

Mô hình hai đáy là một mô hình đảo chiều xu hướng rất thường gặp khi mà thị trường đã tạo ra một đáy và sau khi giá tăng điều chỉnh rồi tiếp tục giảm những không thể chọc thủng được ngưỡng kháng cự tạo ra bởi đáy trước, do đó mà khi giá tăng trở lại thì tạo ra mô hình hai đáy cho ta tín hiệu về khả năng thị trường đảo chiều.

Sau đây là ví dụ thực tế về mô hình hai đáy

8. Mô hình hai đỉnh (Double Tops)

Mô hình hai đỉnh ngược lại với hai đáy và đăc đỉnh hình thành cũng là tương tự khi mà giá đã tạo được một đỉnh, sau đó thị trường giảm điều chỉnh và quay về xu hướng chính những tiếc rằng ngưỡng kháng cự của đỉnh trước quá mạnh khiến giá không thể chọc thủng và sau đó đảo chiều giảm mạnh.

Dưới đây là một ví dụ về mô hình giá này

9. Mô hình vai đầu vai (Head and shoulders)

Vai đầu vai là một mô hình giá khá kinh điển và cũng thường gặp trong biểu đồ giá nếu như bạn chịu khó để ý kỹ. Đây là một mô hình đảo chiều mạnh mẽ. Đúng như tên gọi của nó thì mẫu hình giá này sẽ bao gồm:

  • Đối với mô hình vai đầu vai ở đỉnh sóng trong một thị trường đảo chiều từ tăng thành giảm thì nó sẽ gồm 3 đỉnh, trong đó đỉnh giữa là cao nhất. Hai đỉnh ở hai bên sẽ thấp hơn đỉnh ở giữa.
  • Ngược lại với mô hình vai đầu vai ngược ở các vị trí đáy trong một thị trường từ giảm thành tăng giá thì nó sẽ có đáy giữa thấp nhất, hai đáy ở hai bên cao hơn.

Sau đây sẽ là ví dụ về mô hình vai đầu vai – Head and shoulders trong thực tế với cả hai trường hợp cụ thể:

Phần đỉnh giữa cao nhất đã phá vỡ ngưỡng của đỉnh vai đầu tiên, đó như là một sự nỗ lực cuối cùng để đẩy giá lên nhưng không thành công rồi sau đó lại giảm mạnh.

Tiếp đến lại là một đỉnh vai nữa nhưng lần này lực mua đã yếu đi và không thể nào với tới được đỉnh giữa nữa, sau đó giá quay lại giảm sâu và vượt quá được đường ngang vai là một ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Sau khi giá phá vỡ đường vai đi xuống thì nó thường sẽ có xu hướng quay lại test ngưỡng kháng cự hỗ trợ này rồi sau đó mới giảm mạnh.

Trên đây là ví dụ về mô hình vai đầu vai ngược ở vị trí đáy của xu hướng giảm chuyển thành xu hướng tăng.

Sau một khoảng thời gian giảm mạnh thì giá hình thành một sóng tăng điều chỉnh, ở đây hình thành lên vai thứ nhất.

Sau đó giá tiếp tục giảm sâu và khi vượt quá được đáy thấp nhất trước đó chưa được bao lâu thì nó đã quay đầu tăng mạnh. Thông thường chúng ta vẫn nghĩ rằng đó là một con sóng điều chỉnh vì xu hướng giảm vẫn đang còn mạnh.

Cuối cùng nó tiếp tục giảm một lần nữa nhưng lần này không thể giảm sâu được nữa và thể hiện lực yếu đi của bên bán rõ rệt. Kết quả là sau đó đã hình thành lên một xu hướng tăng.

10. Mô hình cái cốc và tay cầm (Cup and handle)

Mô hình cái cốc và tay cầm – Cup and Handle là một mô hình rất độc đáo và thú vị, tuy nhiên nó cũng tương đối ít gặp trong các biểu đồ thực tế vì ít khi tạo ra được mô hình rõ ràng dễ nhận biết.

Mô hình giá cốc và tay cầm thường xuất hiện ở vị trí tiếp diễn một xu hướng hơn là đảo chiều. Sau đây là một ví dụ thực tế

Đường thẳng ở miêng cốc và quai sẽ hình thành lên ngưỡng kháng cự và hỗ trợ, khi mà giá ở phần quai cốc đã phá vỡ được ngưỡng kháng cự này thì nó thường sẽ quay lại test một lần nữa.

11. Mô hình đỉnh vòng cung (Rounding top)

Mẫu hình đỉnh vòng cung này thường xuất hiện ở vị trí đảo chiều nhưng cũng có thể là một vị trí tiếp diễn xu hướng. Sau đây là môt ví dụ cụ thể:

Mô hình này giống như chúng ta chơi trò tàu lượn vậy. Khi mà tàu lượn từ dưới bắt đầu đi lên thì nó phải có vận tốc nhanh để đủ lực leo lên đến đỉnh, nhưng sau đó lực kéo yếu dần và lên đến đỉnh nó sẽ bắt đầu giảm tốc lại và chuẩn bị thả xuống dốc không cần phải có lực đẩy hay kéo mà vẫn có thể lao đi rất nhanh.

Phần dây cung được xem như là ngưỡng hỗ trợ và khi giá giảm xuống vượt qua ngưỡng hỗ trợ thì nó sẽ trở thành ngưỡng kháng cự và sau đó thường thì giá sẽ quay lại test ngưỡng trên.

12. Mô hình đáy vòng cung (Rounding bottom)

Mô hình giá đáy vòng cung này ngược lại với đỉnh vòng cung ở trên. Chúng ta cùng xem một ví dụ sau

Mô hình giá đáy vòng cung trên rất đẹp và chuẩn khi có nhiều đáy liên tiếp được tạo thành và nối nhau thành hình vòng cung, đồng thời dây cung cũng rõ ràng và thể hiện được vai trò kháng cự hỗ trợ của nó.

Khi giá đang ở dưới phá lên ngưỡng dây cung cũng không hề dễ dàng khi cần 2 lần mới có thể xuyên thủng, và bù lại thì sau đó nó cũng test lại ngưỡng kháng cự hỗ trợ này đến 2 lần trước khi giá bật tăng mạnh.

Lời kết

Trên đây THgold đã trình bày chi tiết cho các bạn về mô hình giá là gì và 12 loại mô hình giá (Chart pattern hay Price Pattern) phổ biến thường gặp nhiều nhất trong các biểu đồ giá.

Đây là một bài giới thiệu tổng quan nên THgold chưa thể trình bày cụ thể và chi tiết hơn trong từng mẫu hình và điều đó sẽ dành riêng cho các bài viết về mỗi mẫu hình giúp chúng ta tìm hiểu chuyên sâu hơn.

Các biểu đồ giá rõ ràng phải mất nhiều thời gian để hình thành hơn là các mô hình nến nhưng chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để quan sát và nhận ra mô hình giá đó.

.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *