,

Các mẫu hình nến đôi trong Price Action cần nắm

Trong bài học trước chúng ta đã biết đến những mô hình nến đơn, tức là những mẫu hình giao dịch với Price Action mà chỉ có một nến. Trong bài học hôm nay chúng ta sẽ được biết đến các mẫu hình nến đôi, tức là các mẫu hình có hai nến.

Về cơ bản thì các mẫu hình nến đôi là có tín hiệu mua bán mạnh hơn so với mẫu hình nến đơn, nó cũng sẽ ít tín hiệu giả hơn nhờ có sự cấu thành của hai cây nến mới thoả điều kiện của một mẫu hình.

Mẫu hình nến đôi Bullish Engufing

Hình trên là một số dạng ví dụ về mẫu hình Bullish Engulfing mà chúng ta thường gặp, dựa vào một số trường hợp này chúng ta sẽ cùng nhau giải nghĩa về cấu trúc và vai trò của nó đối với việc giao dịch trong Price Action.

Mẫu hình Bullish Engulfing hay còn gọi theo tiếng Việt là mẫu hình bao trùm tăng là một dạng mô hình nến cho tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng và nó có vị trí ở đáy của một con sóng.

Các điều kiện để hình thành một mô hình nến Bullish Engulfing như sau:

  • Cây nến đấu tiên là cây nến giảm hoặc có thể là cây nến Dojij cũng được nhưng nến giảm thì sẽ có tín hiệu mạnh hơn.
  • Cây nến thứ hai chắc chắn phải là cây nến tăng.
  • Giá mở cửa của cây nến thứ hai phải bằng hoặc thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất. Lý tưởng nhất là nó thấp hơn cả giá thấp nhất của cây nến thứ nhất.
  • Giá đóng cửa của ngày thứ hai phải cao hơn giá mở cửa của ngày thứ nhất, lý tưởng nhất là cao hơn cả giá cao nhất của nến đầu tiên.

Như vậy có thể nói tóm gọn lại mẫu hình nến Bullish Engulfing là mẫu hình nến mà có thân nến đầu tiên lọt ở giữa thân nến thứ hai, cây nến thứ hai có thân nến bao phủ hoàn toàn thân của cây nến thứ nhất.

Ví dụ thực tế mẫu hình nến đôi Bullish Engulfing

Sau đây là một ví dụ thực tế về mẫu hình Bullish Engulfing hoạt động:

Giải nghĩa về mô hình nến đôi Bullish Engulfing:

Mẫu hình nến Bullish Engulfing rất dễ hiểu đó là khi mà đang có một cây nến giảm tương đối mạnh mà sau đó lập tức xuất hiện một cây nến tăng lớn hơn so với cây nến giảm trước đó.

Điều này có nghĩa là thế lưc bên mua đã nhập cuộc và chiếm thế áp đảo so với bên bán mà gần như không có một sự kháng cự lại nào, nó thể hiện ở một cây nến tăng bao trùm lấy cây nến giảm.

Như vậy đó có thể là dấu hiệu để chúng ta vào lệnh mua và chú ý là không giao dịch khi mà chỉ đơn thuần là nhìn thấy mẫu hình nến này mà phải xem xét thêm nhiều yếu tố khác để nâng cao khả năng đảo chiều của giá.

Trong biểu đồ nếu các bạn chú ý thì sẽ thấy rất nhiều vị trí có xuất hiện mẫu hình Bullish Engulfing này nhưng giá lại không đảo chiều mà tiếp tục xu hướng giảm trước đó và cây nến tăng đơn giản là một bước hồi giá nhẹ mà thôi.

Mẫu hình nến Bearish Engulfing

Hình trên chỉ là một vài ví dụ để bao quát về mẫu hình nến bearish engulfing và dựa vào đó để chúng ta giải nghĩa cho mẫu hình này.

Mẫu hình nến đôi bearish engulfing hay còn gọi tiếng Việt là mẫu hình bao trùm giảm là một mẫu hình đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm, tức là nó sẽ ở vị trí đỉnh của một con sóng.

Các điều kiện để hình thành một cặp nến trong mô hình bearish engulfing như sau:

  • Cây nến đầu tiên là cây nến tăng hoặc có thể là nến Doji nhưng nến tăng là lý tưởng nhất.
  • Nến thứ hai bắt buộc phải là một cây nến giảm lớn và có thể bao trùm được cây nến thứ nhất như cái tên gọi của nó theo các tiêu chí dưới đây
  • Giá mở của của cây nến thứ hai phải bằng hoặc là cao hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất. Lý tưởng nhất là cao hơn cả giá cao nhất của cây nến thứ nhất
  • Giá đóng cửa của cây nến thứ hai phải thấp hơn giá mở cửa của cây nến thứ nhất, lý tưởng nhất là thấp hơn cả giá thấp nhất của cây nến thứ nhất.

Tóm lại với mẫu hình bearish engulfing là một mẫu hình mà có thân nến thứ hai bao phủ toàn bộ thân cây nến thứ nhất và thân nến thứ nhất nằm trọn trong vùng giá của thân nến thứ hai. Lý tưởng nhất đó là toàn bộ cây nến thứ nhất nằm trong vùng giá của thân cây nến thứ hai.

Ví dụ thực tế Bearish Engulfing

Sau đây sẽ là hình ảnh một ví dụ thực tế về mẫu hình nến Bearish Engulfing:

Giải nghĩa về mẫu hình nến đôi  Bearish Engulfing:

Mẫu hình này ngược lại với mẫu hình nến Bullish Engulfing. Đó là sau một quá trình tăng giá mạnh với các cây nến tăng liên tiếp thì đột ngột xuất hiện một cây nến giảm có độ lớn hơn so với cây nến tăng trước đó.

Nó thể hiện cho lực bán đã mạnh hơn lực mua và thế lực bán có phần chiếm ưu thế. Đây là dấu hiệu có thể bắt đầu một chu kỳ giảm giá sắp tới.

Chúng ta có thể kết hợp thêm một số yếu tố để quyết định vào lệnh hay không. Không nên chỉ dựa vào mẫu hình mà vào lệnh ngay bởi vì đơn giản là nó có rất nhiều tín hiệu giả ở các vị trí khác mà không hề làm đảo chiều xu hướng, nếu chúng ta vào lệnh ở các vị trí đó thì sẽ bị thua lỗ.

Mẫu hình nến đôi Dark Cloud Cover

Mẫu hình nến Dark Cloud Cover hay còn gọi theo nghĩa tiếng Việt đó là mây đen bao phủ. Sau đây là hình ảnh mô phỏng về mẫu hình nến Dark Cloud Cover:

Mẫu hình nến Dark Cloud Cover là một tín hiệu giao dịch nằm ở vị trí đảo chiều của sóng tăng thành sóng giảm, tức là vị trí đỉnh của một con sóng tăng.

Với mẫu hình này thì cây nến thứ nhất chắc chắn phải là nến tăng và cây nến thứ hai chắc chắn phải là một cây nến giảm. Trong đó có các điều kiện để hình thành nên mẫu hình mây đen bao phủ như sau:

  • Giá mở cửa của cây nến thứ hai phải cao hơn cả giá cao nhất của cây nến thứ nhất, đồng nghĩa sẽ có một khoảng nhảy Gap giữa giá đóng cửa của cây nến thứ nhất và giá mở cửa của cây nến thứ hai.
  • Giá đóng của của cây nến thứ hai phải thấp hơn mức 50% của thân cây nến thứ nhất. Tức là phần thân nến của cây nến đầu tiên phải được thân nến thứ hai bao phủ trên 50% thân nến, vì vậy ta mới gọi đây là mẫu hình nến mây đen bao phủ.
    Có một số trang chia sẻ về mẫu hình Dark Cloud Cover chỉ yêu cầu giá đóng cửa của cây nến thứ hai thấp hơn giá mở cửa của cây nến thứ nhất nhưng như vậy thì mẫu hình sẽ yếu hơn nhiều và không có nhiều ý nghĩa trong việc làm tín hiệu giao dịch.

Thực chất có thể nói mẫu hình Dark Cloud Cover là mẫu hình không hoàn hảo của mẫu hình Bearish Engulfing vì với mẫu hình nến Bearish Engulfing thì cây nến thứ hai phải bao trùm toàn bộ thân nến thứ nhất trong khi với mẫu hình Dark Cloud Cover thì chỉ cần 50% thân nến.

Việc đó cũng đồng nghĩa rằng mẫu hình Dark Cloud Cover sẽ là một mẫu hình giao dịch cho tín hiệu yếu hơn so với mẫu hình Bearish Engulfing.

Ví dụ thực tế Dark Cloud Cover

Sau đây sẽ là một hình ảnh ví dụ thực tế về mẫu hình Dark Cloud Cover

Giải nghĩa về mẫu hình nến Dark Cloud Cover:

Mẫu hình nến Dark Cloud Cover cũng là một tín hiệu thể hiện cho việc đảo chiều từ xu hướng tăng thành giảm. Cụ thể ở đây sau khi hình thành một cây nến tăng thì cây nến sau có sự nhảy Gap lên.

Khoảng Gap này hàm ý thể hiện như một lực quán tính của đà tăng cây nến trước làm cho giá nhảy một khoảng Gap khi mở cửa cây nến mới.

Nhưng kết quả sau đó thì rất trái ngược khi mà lực lượng bên bán đã nhảy vào cuộc và đẩy giá giảm mạnh chứ không còn tiếp tục đà tăng giá của cây nến trước nữa.

Mô hình nến này giống như hình ảnh một người chạy xe rất nhanh nhưng sau đó phanh gấp và rồi quay xe chạy ngược lại.

Cây nến sau dù giá mở cửa đã nhảy lên trên cả giá cao nhất của cây nến tăng trước đó nhưng vẫn có thể đóng cửa ở dưới mức 50% thân nến, chứng tỏ là lực bán tương đối mạnh và ta có thể xem xét vào lệnh nếu như có thêm một số yếu tố khác bổ trợ.

Mẫu hình nến Piercing Pattern

Mẫu hình Piercing Pattern hay còn gọi là mô hình nến sắc nhọn, đây là mẫu hình ngược lại với mô hình nến ở trên đó là Dark Cloud Cover.

Mẫu hình nến Piercing Pattern được mô phỏng cụ thể như sau:

Với mô hình nến này thì cây nến thứ nhất phải là cây nến giảm và cây nến thứ hai là cây nến tăng giá. Trong đó các điều kiện cụ thể của mẫu hình nến này như sau:

  • Giá mở cửa của cây nến thứ hai phải thấp hơn giá thấp nhất của cây nến thứ nhất. Khi này có nghĩa là giá mở của của cây nến thứ hai sẽ có một khoảng nhảy Gap với giá đóng cửa của cây nến thứ nhất.
  • Giá đóng cửa của cây nến thứ hai phải cao hơn mức 50% giá của thân nến thứ nhất. Điều này có nghĩa là thân nến của cây nến thứ hai sẽ bao phủ ít nhất là 50% thân nến thứ nhất.
    Một số trang thì nói rằng chỉ cần giá đóng cửa của cây nến thứ hai trên mức giá đóng cửa của cây nến thứ nhất là được nhưng như vậy thì mẫu hình là tương đối yếu và không có nhiều giá trị trong việc làm tín hiệu giao dịch.

Mẫu hình nến Piercing Pattern cũng chính là mẫu hình không hoàn hảo của mô hình nến đôi Bullish Engulfing. Bullish Engulfing có cây nến thứ hai bao phủ toàn bộ thân cây nến thứ nhất trong khi với mẫu hình Piercing Pattern thì nó chỉ yêu cầu tối thiểu là 50% thân cây nến thứ nhất.

Ví dụ thực tế Piercing Pattern

Sau đây sẽ là hình ảnh ví dụ thực tế về mẫu hình Piercing Pattern

Giải nghĩa về mô hình nến Piercing Pattern

Khi thị trường đang trong một đà giảm giá mạnh, cây nến tiếp theo nhờ đà tăng giá mạnh đó mà đã mở cửa với một khoảng Gap lớn so với giá đóng cửa của cây nến đầu tiên.

Tưởng rằng giá với đà giảm đó sẽ tiếp tục được đẩy mạnh giảm tiếp tục, nhưng không và đó dường như là một cái bẫy khi mà sau đó giá lại tăng mạnh với sự nhập cuộc của bên mua.

Dù giá mở của của cây nến thứ hai ở thấp dưới mức giá thấp nhất của cây nến đầu tiên nhưng sau đó nó vẫn đóng của trên mức 50% thân nến đầu tiên.

Chứng tỏ đây là một tín hiệu lực bên mua tương đối mạnh và bạn có thể xem xét để vào lệnh mua nếu như có thêm một số yếu tố bổ trợ khác nữa.

Mô hình nến Bullish Harami

Mẫu hình nến Bulish Harami này là mẫu hình nến gồm hai nến mà đóng vai trò là một tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng, hay nói cách khác là nó sẽ xuất hiện ở vị trí đáy của một con sóng giảm.

Ở hình trên là mô phỏng về một số trường hợp của mô hình nến đôi Bulish Harami. Điều kiện cụ thể để hình thành nên mẫu hình Bulish Harami nay đó là:

  • Cây nến đầu tiên bắt buộc là cây nến giảm có thân tương đối lớn.
  • Cây nến thứ hai không quan trọng là nến tăng hay giảm, nếu nó là nến tăng thì càng tốt nhưng vẫn có thể là nến giảm. Đây là sự khác biệt so với nhiều mẫu hình mà ta đã nêu ở trên.
  • Giá mở cửa và đóng cửa của cây nến thứ hai đều phải thấp hơn giá mở cửa của cây nến thứ nhất và cao hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất.

Điểm mấu chốt của mẫu hình này đó là thân của cây nến thứ hai phải nằm trọn trong thân của cây nến thứ nhất, còn lại các mức giá cao nhất và thấp nhất không quan trọng, nó có thể vượt ra ngoài phạm vi giá của cây nến thứ nhất cũng được.

Ví dụ thực tế Bulish Harami

Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mẫu hình Bulish Harami:

Giải nghĩa mẫu hình nến đôi Bullish Harami

Mẫu hình nến Bullish Harami là một mẫu hình tương đối yếu so với các mẫu hình khác.

Khi mà giá đang trong một xu hướng xuống với các cây nến giảm mạnh liên tục thì lại xuất hiện một cây nến có giá mở của trên mức giá đóng cửa của cây nến giảm trước đó.

Tức là sau khi cây nến giảm đóng cửa thì đã có một lực lượng mua nhảy vào làm cho giá có khoảng nhảy gap lên như vậy, hoặc có thể là bên bán chốt lời.

Dù cây nến thứ hai chỉ là một cây nến nhỏ chứ không phải là một nến tăng mạnh như là mẫu hình bao trùm tăng chẳng hạn nhưng nó cũng cho thấy rằng lực bán đã gần như không còn kiểm soát tình hình và có vẻ như giá đã xuống quá thấp.

Khi này chúng ta có thể xem xét vào lệnh mua khi có thêm các yếu tố bổ trợ khác nữa.

Mô hình nến đôi Bearish Harami

Mẫu hình nến Bearish Harami là mẫu hình ngược lại với mẫu hình Bulish Harami, đây là mô hình nến làm tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm giá. Cụ thể là nó sẽ xuất hiện ở đỉnh của một con sóng.

Sau đây là hình ảnh mô phỏng về mẫu hình nến Bearish Harami:

Các điều kiện để hình thành nên mẫu hình nến Bearish Harami đó là:

  • Cây nến đầu tiên bắt buộc là cây nến tăng mạnh với thân nến tương đối lớn.
  • Cây nến thứ hai có thể là nến tăng hoặc giảm chứ không phải là nến giảm như nhiều mẫu hình khác, nếu nó là nến giảm thì càng tốt nhưng vẫn có thể là nến tăng.
  • Giá mở cửa và đóng cửa của cây nến thứ hai đều phải thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất và cao hơn giá mở cửa của cây nến thứ nhất.

Tựu chung lại thì điều quan trọng đó là thân của cây nến thứ hai phải nằm trọn vẹn trong thân của cây nến đầu tiên. Đuôi nến không quan trọng và giá cao nhất hay thấp nhất của cây nến thứ hai có thể vượt ra ngoài vùng giá của cây nến thứ nhất.

Ví dụ thực tế Bearish Harami

Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mẫu hình nến Bearish Harami:

Giải nghĩa về mẫu hình nến đôi Bearish Harami:

Khi thị trường đang trong một xu hướng tăng mạnh mới các cây nến tăng liên tục thì bỗng nhiên giá bị chững lại với sự hiện diện của cây nến harami phía sau nó.

Đó là một cây nến có thân nhỏ và nằm ở trong vùng giá thân cây nến đầu tiên. Đặc biệt là giá mở cửa của cây nến thứ hai có một khoảng nhảy Gap xuống dưới so với giá đóng cửa của cây nến đầu tiên.

Điều này thể hiện là bên mua đã nhảy vào cuộc để đẩy giá xuống. Dù với dạng nến thứ hai không thể hiện một lực bán mạnh đang thắng thế nhưng rõ ràng là bên mua cũng không còn mạnh mẽ như trước và không thể đẩy giá tăng mạnh được nữa.

Lúc này chúng ta có thể xem xét vào lệnh bán với tín hiệu nến Bearish Harami

Mô hình nến đôi Tweezer Tops

Mẫu hình Tweezer tops là mẫu hình mà gọi theo tiếng Việt đó là đỉnh nhíp, ở đây hình tượng chính là cái nhíp khi mà ns thường có hai đầu bằng nhau và chĩa ra hai bên.

Đối với mẫu hình nến Tweezer tops thì có nghĩa là nó có hai đỉnh của mỗi cây nến (tức giá cao nhất – high price) bằng nhau.

Đỉnh cao nhất của mỗi cây nến đó có thể là đuôi nến hoặc là thân nến trong trường hợp giá cao nhất cũng là giá mở cửa hoặc đóng cửa.

Cụ thể về quy tắc và điều kiện hình thành mẫu hình nến Tweezer tops như sau:

  • Giá cao nhất của hai cây nến bằng nhau
  • Các cây nến trong mẫu hình không quan trọng là nến gì, nó có thể là nến tăng, nến giảm hoặc là nến Doji.

Ví dụ thực tế Tweezer tops

Sau đây là ví dụ thực tế về mô hình nến đôi Tweezer tops:

Giải nghĩa về mẫu hình nến Tweezer tops:

Khi thị trường đang trong một xu hướng tăng mạnh và trước đó là một nến tăng chưa có dấu hiệu gì của sự chững lại và dường như thị trường vẫn băng băng về phía trước.

Thế nhưng đến cây nến sau đó thì giá cao nhất của cây nến cũng không thể cao hơn được giá cao nhất của cây nên trước. Điều đó chứng tỏ rằng lực mua đã không còn mạnh nữa và ngưỡng giá cao nhất của cây nến đầu tiên giống như một ngưỡng cản vậy.

Sau đó thì cây nến thứ hai hầu như sẽ là cây nến giảm và cho thấy lực bán đã chiếm được ưu thế và là một tín hiệu báo rằng thị trường có thể đảo chiều từ tăng thành giảm.

Mẫu hình nến đôi Tweezer Bottoms

Mô hình nến Tweezer bottoms trái ngược lại với mô hình nến Tweezer tops, tức là hai cây nến có mức giá thấp nhất bằng nhau. Trong đó hai cây nến không quan trọng là nến gì, có thể là nến tăng, giảm hoặc là doji.

Ví dụ thực tế Tweezer bottoms

Sau đây là một ví dụ thực tế về mẫu hình Tweezer bottoms:

Giải nghĩa về mẫu hình nến đôi Tweezer bottoms:

Mãu hình nến Tweezer bottoms ngược lại so với mẫu hình nến Tweezer tops khi có hai cây nến đều có mức giá thấp nhất ngang bằng nhau.

Thị trường đang trong một xu hướng giảm thì cây nến sau lại bật tăng trở lại trong đó giá thấp nhất của cây nến thứ hại cũng không thể phá vỡ được ngưỡng giá thấp nhất của cây nến đầy tiền và có lẽ nó đang hoạt động như một ngưỡng hỗ trợ.

Với việc giá không thể đẩy xuống thấp hơn nữa mà bật tăng trở lên cho thấy dấu hiệu bên mua đã thắng thế và ta có thể xem xét vào lệnh mua khi có thêm một số yếu tố nữa bổ trợ.

Lời kết

Trên đây Thgold đã chia sẻ đến các bạn chi tiết về những mẫu hình nến đôi thường gặp nhất trên một biểu đồ giá.

Đây là những mẫu hình tương đối hữu ích để chúng ta nhận biết tín hiệu vào lệnh khi giao dịch với phương pháp Price Action.

.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *